01:07 26/01/2014

Ngày Tất niên

Đến ngày Tất niên thì không khí Tết đã bao trùm trong mọi thôn xóm, mọi ngôi nhà. Công việc bộn bề luôn chân luôn tay cùng với những cảm xúc vui mừng, háo hức, bâng khuâng, hy vọng… cứ đan xen trong lòng.

Đến ngày Tất niên thì không khí Tết đã bao trùm trong mọi thôn xóm, mọi ngôi nhà. Công việc bộn bề luôn chân luôn tay cùng với những cảm xúc vui mừng, háo hức, bâng khuâng, hy vọng… cứ đan xen trong lòng. Trong ngày cuối cùng của năm cũ này, ai cũng muốn chuẩn bị một cách chu đáo, đầy đủ nhất để đón chào xuân mới.


Có lẽ không có hôm nào chợ lại họp sớm như ngày Tất niên. Mặc cho gió bấc và mưa phùn lạnh cóng lất phất bay, ngay từ tinh mơ, mọi người đã tấp nập, í ới gọi nhau đi chợ Tết. Trên khắp các ngả đường người và xe đi lại như nước chảy. Ai cũng muốn được tham dự buổi chợ đông vui nhất trong năm này nên dù bận rộn mấy thì cũng phải tranh thủ đi nhanh đến chợ và mua vài thứ gì đó thì mới thỏa lòng. Hàng hóa nhiều không kể xiết, chất ngổn ngang, nghẽn cả lối đi.


Từ chợ trở về, mọi người lại tất bật với những công việc chuẩn bị đón Tết. Trong mái bếp lợp rạ đang tỏa khói nhẹ nhàng, mẹ tôi lúi húi đồ rồi giã đỗ xanh để gói bánh chưng; còn các chị thì vừa rửa lá bánh vừa rì rầm nhỏ to bên cầu ao nước trong văn vắt. Cha tôi trải chiếu giữa nhà, ngồi xếp chân gói bánh, xung quanh bề bộn nào nẹp lá, rá gạo, chậu thịt lợn ba chỉ thái to trộn lẫn chân giò chặt nhỏ, cùng những bát hạt tiêu, bát muối… Anh em tôi thì thường được mẹ giao cho việc đốt rác, quét vôi và vẽ những bộ cung tên rất to ở đầu ngõ để trừ ma, trừ quỷ - theo quan niệm dân gian. Đón Tết mà nhà cửa, vườn tược khang trang, sạch sẽ như thế thì mọi người mới yên tâm, hy vọng những điều may mắn sẽ đến trong năm mới.


Tiếp theo là việc bày mâm ngũ quả - tượng trưng cho năm yếu tố cấu tạo nên và duy trì sự vận động của vũ trụ. Mâm ngũ quả ngày Tết bao giờ cũng có nải chuối xanh, quả bưởi vàng, chùm quả trứng gà, đôi quả đu đủ xanh và cam, quất. Hoa quả được chị em tôi rửa sạch sẽ, để khô ráo rồi xếp gọn gàng, ngay ngắn trên bàn thờ. Mâm ngũ quả cùng với cành đào gợi lên cảm giác đầm ấm, no đủ và vui tươi của những ngày Tết… Sau đó là việc sửa soạn mâm cơm cúng Tất niên. Đây là lễ cúng cơm để kết thúc năm cũ với những may rủi, nhọc nhằn trong cuộc sống đồng thời đón rước tổ tiên ông bà về ăn Tết, nên bữa cơm tất niên là dịp gia đình đoàn tụ, sum vầy và đầm ấm nhất trong năm, khi mà tất cả con cháu ở gần, xa đều tìm về.


Đêm ba mươi Tết nào cũng vậy, dù bận đến mấy thì chị em tôi cũng không quên lên chùa làng thắp hương và hái lộc. Chùa làng tôi nhỏ bé, xinh xắn nằm dưới những vòm cây cổ thụ tán đan kín như chiếc ô khổng lồ. Ai cũng cảm nhận được sự đông vui nhưng hết sức thiêng liêng của ngôi chùa trong đêm trừ tịch này. Mấy chị em tôi cùng những đám thanh niên, thiếu niên trong làng dạo chơi quanh khuôn viên, đợi cho đến giao thừa thì xin chùa một cành đa rồi vội vàng mang ngay về nhà, cắm ở bên cạnh bàn thờ với ước vọng Trời, Phật sẽ ban cho gia đình mình nhiều lộc trong năm tới…


Ngày nay, cuộc sống trong mỗi gia đình đã đổi thay khá nhiều nhưng không vì thế mà người dân quê tôi quên đi những phong tục đẹp, những thói quen tốt trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.


Trần Văn Lợi