02:16 15/02/2022

Ngày rằm tháng Giêng: Hàng hóa dồi dào, trầu cau tăng giá gấp đôi ngày thường

Thị trường hàng hóa ngày rằm tháng Giêng nguồn cung ổn định, giá bán thực phẩm không tăng đột biến. Tuy nhiên, một số mặt hàng như trầu cau, hoa tươi... tăng giá.

Chú thích ảnh
Các mặt hàng tươi sống nguồn cung dồi dào.

Nguồn cung thực phẩm dồi dào

Ghi nhận của phóng viên báo Tin tức ngày 15/2 (rằm tháng Giêng) tại một số chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội như: Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai),  Mai Động (Hoàng Mai), chợ Mùng 8/3, chợ Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm)… giá cả mặt hàng tươi sống khá ổn định. Cụ thể, mặt hàng thịt lợn như ba chỉ, vai, sườn dao động ở mức từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò như diềm thăn, thăn, bắp… có giá từ 280.000 - 330.000 đồng/kg. Mặt hàng giò, chả như giò lụa, giò tai, giò hoa, giò gà được bán với giá từ 195.000 - 210.000 đồng/kg, giò xào 180.000 đồng/kg, chả quế 220.000 đồng/kg…

Chú thích ảnh
Xôi, giò đắt khách, giá giao động từ 45.000 đồng - 70.000 đồng một lễ gồm đĩa xôi nhỏ và khoanh giò.

Đối với mặt hàng gia cầm, dù nhu cầu mua gà cúng rằm tháng Giêng khá cao nhưng giá bán mặt hàng này không tăng nhiều, dao động ở mức 140.000 – 170.000 đồng/kg tùy loại.

Các mặt hàng thủy, hải sản tươi sống không tăng đột biến, tuy nhiên lượng hàng không nhiều. Chị Nguyễn Hiền, tiểu thương bán hải sản tại chợ Yên Duyên (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, cá rô phi đơn tính 40.000 - 45.000 đồng/kg, cá trắm cỏ 55.000 - 60.000 đồng/kg, cá trắm đen 150.000 đồng/kg cá chép giò lăng 130.000 đồng/kg. Chị Hiền cho biết, mặt hàng cá thì duy trì nguồn hàng nhiều nhưng tôm thì đắt hàng hơn, nhiều khi  giá cao quá, chị không dám nhập hàng nhiều, chỉ lấy ít về bán.

“Các loại hải sản giá đã hạ nhiệt so với thời điểm trước và ngay sau Tết. Như tôm tươi, trước Tết có thời điểm lên tới 400.000 – 500.000 đồng/kg, thậm chí ngay sau Tết còn “cháy hàng”, khoảng 450.000 đồng/kg loại vừa thì nay giá dao động từ 180.000 đồng – 350.000 đồng/kg tùy loại”, chị Hiền cho biết.

Giá trái cây khá ổn định, hiện bưởi da xanh tùy giống và trọng lượng có giá bán từ 40.000 - 80.000 đồng/quả, thanh long đỏ 50.000 đồng/kg, roi đỏ có giá 60.000 đồng/kg, nhãn có giá 60.000 đồng/kg, táo xanh loại to  60.000 đồng/kg…

Chú thích ảnh
Trái cây nguồn cung dồi dào.

Cau tươi tăng giá gấp đôi, hoa tăng giá mạnh

Nhìn chung các mặt hàng thực phẩm nguồn cung dồi dào, giá cả không nhiều biến động, tuy nhiên, mặt hàng rau xanh tuy đã giảm nhiệt nhưng vẫn đứng ở mức cao, hiện su hào từ 6.000 - 8.000 đồng/củ, súp lơ từ 12.000 - 15.000 đồng/cây, cà rốt từ 15.000 – 20.000 đồng/kg, cà chua có giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, rau cải có giá 10.000 đồng – 12.000 đồng/mới, bắp cải 20.000 đồng/kg…

Chú thích ảnh
Rau xanh đã hạ nhiệt so với thời điểm trước Tết nhưng giá vẫn cao.

Đáng chú ý, giá hoa tươi tăng khá cao, trong đó các loại hoa hồng màu đỏ có giá tăng đột biến, lên 2 đến 3 lần. Cụ thể, hoa hồng đỏ Đà Lạt 30.000 đồng/bông loại 1; hoa hồng đỏ có giá từ 12.000 đồng/bông không lộc, 15.000/bông có lộc, hoa cúc loại to có giá 10.000 đồng -12.000 đồng/bông, trong khi mức giá thường ngày chỉ 6.000 đồng – 8.000 đồng/bông, hoa ly cành to có giá 60.000 đồng/cành 3 bông….

Chú thích ảnh
Hoa tươi tăng giá.
Chú thích ảnh
Hoa ly có giá 60.000 đồng/cành, giá này giảm so với cận Tết tuy nhiên cao hơn ngày thường.

Anh Long, tiểu thương bán hoa tại chợ 8/3 cho biết, do năm nay rằm tháng Giêng trùng với dịp lễ Valentine nên giá hoa tăng cao so với thường ngày 10-15%.

Cùng với đó, trầu, cau cũng tăng giá. Một lễ gồm 1 quả cau và một lá trầu có giá 25.000 đồng, trong đó cau có giá 20.000 đồng/quả, 5000 đồng/lá trầu, mức giá này tăng gấp đôi so với ngày thường, dao động 10.000 đồng - 12.000 đồng/bộ. Các mặt hàng tiền vàng, rượu cúng vẫn giữ giá như thường ngày, 10.000 đồng – 15.000 đồng/lễ.

Chú thích ảnh
Trầu, cau tăng giá gấp đôi ngày thường.
Chú thích ảnh
Vàng mã giá ổn định.

Khác với nhiều năm, khi ngày rằm tháng Giêng giá cả thực phẩm hàng hóa thường tăng cao, năm nay giá cả nhìn chung không tăng giá cao, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thị trường trước trong và sau Tết ổn định là do ngành Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp bán lẻ đã tăng cường dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu. Vì vậy, sau Tết, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng nên không xẩy ra tượng tăng giá đột biến. Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân có tâm lý cúng lễ đơn giản, tiết kiệm nên sức mua không tăng.

Bài, chùm ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức