03:14 24/03/2020

Ngày phòng chống lao thế giới (24/3): Hành động khẩn cấp đẩy lùi bệnh lao

“It’s time” (Đã đến lúc)! Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã một lần nữa dùng thông điệp này làm chủ đề Ngày phòng chống lao thế giới (24/3) năm nay, như cách hối thúc những hành động khẩn cấp toàn cầu để chấm dứt căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong hàng đầu này.

Cứ mỗi ngày, bệnh lao lại cướp đi sinh mạng của 4.500 người và khoảng 30.000 người mắc phải căn bệnh có thể phòng ngừa và chữa trị này. Bất cứ ai cũng có nguy cơ nhiễm lao, song những người có hệ miễn dịch yếu, bị nhiễm HIV, tiểu đường, suy dinh dưỡng, ung thư,... có nguy cơ cao bị mắc bệnh lao.

Là một trong những thách thức y tế chính trong các Mục tiêu phát triển bền vững, Hội nghị cấp cao đầu tiên của Liên hợp quốc (LHQ) về lao đã được tổ chức tháng 9/2018, với việc nguyên thủ các nước đưa ra các cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt dịch lao trên toàn cầu vào năm 2030. Để đạt mục tiêu này, hàng loạt chiến dịch chống lao trên quy mô toàn cầu đã được triển khai, với sự đồng hành của WHO và Quỹ toàn cầu và đối tác chống bệnh lao. Không chỉ chính phủ và các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân cũng đã vào cuộc thông qua phát triển vaccine mới, các công cụ điều trị và chẩn đoán, đặc biệt là căn bệnh lao đa kháng thuốc.

Quỹ Công nghệ sáng tạo y tế toàn cầu (GHITF) do Chính phủ Nhật Bản, các công ty dược, Quỹ Bill và Melinda Gates phối hợp thành lập năm 2012 là một ví dụ điển hình cho sự hợp tác công tư hiệu quả. GHITF đặt mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của sản phẩm y tế mới và hỗ trợ các sáng kiến giúp giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển. Tính đến tháng 3/2018, quỹ này đã đầu tư 190 triệu USD cho 74 dự án đối tác (12,5% số tiền này đã được dùng để nghiên cứu lao). Trong khi đó, nhiều tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng cũng tích cực tham gia hoạt động này. Tính đến tháng 5/2018, khoảng 80% các đối tác của STBP là các tổ chức phi chính phủ.

Những nỗ lực không ngừng trong công tác phòng chống lao đã giúp giảm được 42% tỷ lệ tử vong do căn bệnh này trong giai đoạn năm 2000-2018 với 58 triệu người được cứu sống. Tỷ lệ chữa trị thành công cho những người nhiễm lao mới trong năm 2017 đã lên tới 85%, trong khi với những người bị lao kháng thuốc là 56%.

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đạt được trong vài thập niên qua, với tốc độ hiện nay, mục tiêu bền vững về lao khó có thể đạt được. Số ca nhiễm lao trên toàn thế giới đang giảm ở mức 1%-2%, trong khi để hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, tỷ lệ này cần phải ở mức 4%-5% vào năm 2020 và trên 10% vào năm 2025. Năm 2018, ước tính có 10 triệu ca nhiễm lao mới trên toàn thế giới, trong đó có 1,1 triệu trẻ em. Có tới 66% trong số các ca nhiễm mới là ở 8 quốc gia thuộc châu Á và châu Phi gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Pakistan, Nigeria, Bangladesh và Nam Phi. Tuy nhiên, chỉ có 70% trong số các ca nhiễm mới được báo cáo. Khoảng 484.000 người mắc lao kháng rifampicin (loại thuốc chữa trị hiệu quả căn bệnh này) và 78% trong số này bị lao đa kháng thuốc.

Tại khu vực châu Âu, số ca lao đã giảm 15% kể năm 2015, tương đương với 28 ca trên 100.000 người. Tuy nhiên, tỷ lệ những người bị kháng rifampicin và đa kháng thuốc tại đây là 30%, cao hơn hẳn so với những khu vực khác, tương đương với châu Phi và Đông Nam Á.

Để giảm bớt số ca nhiễm lao, WHO đã đề ra sáng kiến mang tên Chiến lược toàn cầu chấm dứt bệnh lao, tập trung phát hiện các ca nhiễm, mở rộng việc điều trị dự phòng, sử dụng các phác đồ điều trị mới hơn, ngăn ngừa và kiểm soát HIV nhằm giảm bớt số ca mắc lao. Chiến lược của WHO cũng vạch ra các mục tiêu tham vọng cho giai đoạn 2020-2035, bao gồm đến năm 2020, có thể giảm 20% các ca nhiễm lao, 35% các ca tử vong do lao so với năm 2015 và tỷ lệ giảm tương ứng đến năm 2035 là 90% và 95%.

Chiến lược trên đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có xu hướng tăng số ca bị lao đa kháng thuốc và phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc chữa trị không đầy đủ. Trên thế giới, cứ 3 người bị lao thì có 1 người không được tiếp cận chăm sóc sức khỏe chất lượng, trong khi việc chẩn đoán nhanh với chi phí phù hợp là bước đi đầu tiên trong việc chữa trị lao kịp thời. Nếu không được kiểm soát kịp thời, căn bệnh này sẽ càng trở nên khó chữa trị và khiến số ca tử vong tăng mạnh. Chính vì vậy, WHO kêu gọi thế giới cần mở rộng việc tiếp cận các xét nghiệm chẩn đoán, nhanh chóng phát triển các thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa hiệu quả nhằm chấm dứt sự lây lan của căn bệnh. Các chính phủ cần đầu tư nhiều hơn cho các nhân viên y tế, bởi họ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác ngăn ngừa và chăm sóc các bệnh nhân lao.

Theo WHO, thế giới cần phải đầu tư 13 tỷ USD/năm để hỗ trợ chấm dứt bệnh lao. Hiện có 14 loại vaccine, 23 loại thuốc và một số phác đồ đang được thử nghiệm trong việc phòng ngừa và chữa trị lao. Dù ngân sách cho phát triển và nghiên cứu lao đã đạt đỉnh là 772 triệu năm 2017, song con số này chỉ chiếm 39% so với số tiền 2 tỷ USD cần đầu tư cho nghiên cứu mỗi năm.

Bên cạnh đó, việc các ca nhiễm lao không được thông báo đầy đủ và tình trạng di cư toàn cầu cũng tạo ra gánh nặng tài chính cho việc kiểm soát lao. Năm 2017, chỉ 6,4 triệu trường hợp nhiễm lao được báo cáo, chiếm 64% trong tổng số 10 triệu ca nhiễm mới. Mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 đòi hỏi quyết tâm chính trị, nguồn lực tài chính và sự tham gia của nhiều lĩnh vực. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị lao sẽ chỉ khiến người bệnh e ngại thăm khám, khiến căn bệnh này càng khó điều trị dứt điểm. Đặc biệt, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao, hay bệnh nhân nhiễm virus HIV cũng đều nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất. Nhóm người này cũng cần được quan tâm đúng mức để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm.

Lao là căn bệnh nguy hiểm nhưng không phải hoàn toàn không thể chữa trị được. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cộng đồng quốc tế phải khẩn cấp đẩy nhanh những hành động cụ thể thì mới có thể hoàn thành mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Sự phối hợp hiệu quả từ các tổ chức quốc tế, chính phủ, cho đến tư nhân và người dân sẽ là biện pháp hiệu quả nhất giúp nhân loại sớm đẩy lui căn bệnh này.

Đặng Ánh (TTXVN)