11:09 14/11/2013

Ngày hội đại đoàn kết thêm ý nghĩa

Trong những năm qua, cứ đến ngày 18/11 (ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam), các địa phương sôi nổi tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân...

Trong những năm qua, cứ đến ngày 18/11 (ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam), các địa phương sôi nổi tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân, với nhiều hoạt động phong phú, góp phần tạo nên đời sống văn hóa tinh thần thôn quê thêm khởi sắc, tăng thêm tình đoàn kết, hiểu biết, tương trợ lẫn nhau.


Tuy nhiên, qua theo dõi ở một số địa phương, và chính ở quê tôi, việc tổ chức ngày hội đại đoàn kết ở cơ sở vẫn còn những hạn chế về nội dung và công tác tổ chức, chưa có sự đổi mới, chưa thật sự hấp dẫn người dân, thậm chí có nơi tổ chức với nội dung còn nghèo nàn, nên chưa tạo được dấu ấn về ý nghĩa của ngày hội. Cụ thể là, phần mít tinh, nội dung năm nào cũng giống nhau, chưa có sự đầu tư và đổi mới nội dung, còn đơn điệu và tẻ nhạt khiến người dân không hào hứng tham gia. Nhiều địa phương quá chú trọng đến việc liên hoan ăn uống mà không chú trọng đến nội dung ngày hội cần làm gì cho hấp dẫn và có nhiều ý nghĩa thiết thực. Sau đây, chúng tôi có mấy ý kiến trao đổi thêm về vấn đề này:


Trong nội dung tổ chức ngày hội đại đoàn kết, cần có tổ chức mít tinh, tuy nhiên nội dung buổi mít tinh cần phải đổi mới, khác năm trước. Sau khi nêu bật ý nghĩa của ngày thành lập MTTQVN, lễ mít tinh cần nói được thôn xóm mình, quê hương mình năm vừa qua có những điểm gì hay và chưa hay, những việc đã làm được và chưa làm được, nguyên nhân vì sao? Tại lễ mít tinh cần có phần nêu gương, tôn vinh những gia đình năm qua có nhiều thành tích trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái thành đạt, tôn vinh các cụ tuổi cao gương sáng, các cháu học tập giỏi, nêu ra những gương người tốt, việc tốt, đánh giá các phong trào chung của thôn xóm. Đồng thời nghiêm khắc chỉ ra những hạn chế và khuyết điểm, những gia đình chưa thực hiện tốt những quy ước và phong trào chung của xóm, qua đó nêu ra biện pháp khắc phục, sửa chữa.


Để tăng thêm sự hấp dẫn cho buổi mít tinh, cần xen kẽ các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Nơi nào có điều kiện cần tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền với các thôn xóm trong xã., vừa tạo không khí vui tươi phấn khởi trong ngày hội, vừa học tập lẫn nhau....


Trong ngày này, không những cán bộ Ban công tác mặt trận đánh giá phong trào của thôn xóm mà còn phải để người dân được tham gia ý kiến thảo luận dân chủ, góp ý chân thành công tác lãnh đạo, ưu điểm và hạn chế của cán bộ lãnh đạo, của Chi bộ và Ban lãnh đạo xóm trong năm qua, cái gì được và chưa được để cán bộ và Ban công tác mặt trận rút kinh nghiệm, phát huy mặt tốt, khắc phục những mặt còn hạn chế, yếu kém.


Tôi được biết, có nơi còn tổ chức thi “hái hoa dân chủ”. Nội dung các câu hỏi trong cuộc thi này đều gắn liền với đời sống của người dân như kinh nghiệm lao động sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, sinh đẻ có kế hoạch, phòng chống tệ nạn xã hội, an ninh trật tự thôn xóm, công tác xây dựng nông thôn mới... Xen kẽ phần dự thi là các tiết mục văn nghệ.


Để tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân, vai trò của Chi bộ và Ban công tác mặt trận rất quan trọng. Trước hết, cán bộ phải đầu tư thời gian và trí tuệ mới tổ chức tốt được những nội dung như trên. Phải kiểm tra, đánh giá, thật cụ thể, khách quan, những mặt tốt cần phát huy, những mặt yếu kém để khắc phục và sửa chữa. Biểu dương, khen thưởng cũng như phê bình, kiểm điểm, nhắc nhở đều phải thật chính xác, cụ thể, được mọi người công nhận.


Tùy từng điều kiện cụ thể của các địa phương mà vạch ra nội dung tổ chức ngày hội đại đoàn kết, làm sao cho hấp dẫn, bổ ích và thiết thực.


Vũ Ba Lan