02:14 01/02/2012

Ngày đầu tiên Hà Nội đổi giờ làm: Nhiều tuyến đường không còn ùn tắc

Ngày 1/2, ngày đầu tiên áp dụng giờ làm việc, học tập mới trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tình hình giao thông trên địa bàn khá thông thoáng.

Ngày 1/2, ngày đầu tiên áp dụng giờ làm việc, học tập mới trên địa bàn Hà Nội, theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, tình hình giao thông trên địa bàn khá thông thoáng, không xảy ra ùn tắc, ngay cả những trọng điểm ùn tắc giao thông như đường 32, đường Khuất Duy Tiến, Trường Chinh, chùa Bộc... luôn trong cảnh phương tiện chen lấn, xả khói đen, bóp còi inh ỏi vào những giờ cao điểm, cũng có nhiều thay đổi so với ngày thường, mật độ giao thông giảm hẳn so với trước. Đánh giá về ngày đầu triển khai thay đổi giờ học, giờ làm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Xuân Tân lạc quan: việc thay đổi giờ làm việc, học tập đã có tác động lớn đến trật tự giao thông trên địa bàn, làm giảm mật độ giao thông vào những giờ cao điểm, tránh cho giao thông Thủ đô tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn.



1 tiếng sau khi sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh THPT vào lớp, từ 8 giờ, đến lượt học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS bước vào tiết học đầu tiên. (chụp lúc 7 giờ 30 tại Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa). Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


Đường Xuân Thủy - Cầu Giấy vốn là trục đường có lưu lượng phương tiện qua lại rất lớn, vì đây là một trong những trục đường hướng tâm lại tập trung nhiều trường đại học lớn với số lượng sinh viên đông, nhưng sáng nay giao thông đi lại rất thuận tiện. Thượng sỹ Ngô Văn Tâm, đội cảnh sát giao thông số 6 cho biết: trước đây, trục đường này thường xuyên ùn ứ giao thông vào những giờ cao điểm từ 7 giờ 30 đến 8 giờ 30 và sau 16 giờ 30, nhưng hôm nay giao thông trên tuyến ổn định, không bị ùn tắc. "Ngoài việc điều chỉnh giờ, có lẽ do nhiều trường học sinh chưa phải đến trường nên giao thông chưa căng thẳng" - Thượng sỹ Tâm nói.

Tương tự, trên trục đường Khuất Duy Tiến cũng không còn cảnh giao thông lộn xộn, chen lấn, vọt lên cả vỉa hè như những ngày trước Tết. Thậm chí sau 8 giờ 30 phút, một số đoạn thoáng đãng, phương tiện thưa thớt như những ngày Tết. Những Cảnh sát giao thông chốt trực tại nút Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến khá nhàn nhã trong việc hướng dẫn, điều tiết giao thông. Anh Sơn, thường xuyên chạy xe ôm khu vực này cho biết, hôm nay cả đường Khuất Duy Tiến và Lê Văn Lương đều không ùn tắc như trước, nhưng phải có thời gian mới có thể đánh giá chính xác được hiệu quả của việc thay đổi giờ làm việc, học tập. Theo anh Sơn, hiện nay, nhiều trường đại học, học sinh vẫn chưa phải đến trường nên mật độ giao thông chưa đông. Việc điều chỉnh giờ để giảm ùn tắc giao thông rất tốt, chỉ các gia đình phải sắp xếp lại thời gian thì vất vả thôi!

Tuy nhiên, tại đường Nguyễn Trãi, Tây Sơn, vào khoảng thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 8 giờ, lưu lượng phương tiện tập trung rất đông đã gây ra cảnh ùn ứ, thậm chí đường Tây Sơn, Thái Thịnh (có hai trường tiểu học và trung học cơ sở) tắc nghẽn kéo dài, phương tiện phải leo lên cả vỉa hè để vội đi cho kịp giờ làm, nhiều phụ huynh đưa học sinh tiểu học đến trường bị "giam" lại trên đường.

Việc điều chỉnh giờ học, giờ làm việc trên địa bàn Hà Nội ít nhiều đã làm xáo trộn nhịp sống hàng ngày của nhiều người dân, mà đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh, sinh viên. Để thích nghi được với nếp sống mới không phải chỉ một sớm, một chiều. Hiệu trưởng trường Lê Qúy Đôn, quận Hà Đông, Nguyễn Sỹ Khiêm nói: "Học sinh phải đến trường từ trước 7 giờ sáng là vấn đề không đơn giản, cần phải có thời gian để học sinh nhà trường thực hiện đúng theo giờ học mới".

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, ngày 1/2, Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện phương án đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân được chuẩn bị trước đó, cụ thể điều chỉnh giãn cách giờ chạy xe buýt cao điểm buổi sáng và buổi chiều thêm 60 phút, đồng thời giảm thời gian giãn cách giữa các lượt xe từ 10 phút xuống 7 phút và từ 15 phút xuống 10 phút. 6 tuyến buýt nhanh đã vận hành để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân khi giờ học và giờ làm thay đổi. Các tuyến buýt nhanh được tính toán về lộ trình, số lượt, có thể phục vụ từ 10 đến 20 trường đại học, học viện, cao đẳng và các trường dạy nghề trên các trục đường có lưu lượng phương tiện cá nhân cao. Trong thời gian áp dụng tần suất chạy xe mới, nếu chưa phù hợp và chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại, Tổng công ty Vận tải sẽ tăng cường ngay xe vào tuyến. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông cũng bắt đầu ra đường làm việc cùng với Cảnh sát giao thông từ 6 giờ sáng. Theo quan sát, lực lượng chức năng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và lái xe buýt đã "vận hành" đúng như phương án để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân theo khung giờ mới.

Ngày đầu tiên áp dụng giờ làm việc mới trên địa bàn Hà Nội hầu như không ảnh hưởng nhiều lắm đến không khí, giờ giấc làm việc tại các bộ, ngành, phường, xã. Khó khăn nhất là khu vực các trường học, trong ngày đầu thực hiện, nhà trường vẫn cho học sinh, sinh viên đi học muộn vào học. Ngoài ra, có biện pháp quản lý học sinh mầm non, tiểu học sau mỗi giờ học để chờ gia đình đến đón.

Điều chỉnh giờ học tập, làm việc là một trong những giải pháp nhằm chống ùn tắc giao thông, do Bộ Giao thông Vận tải và UBND thành phố Hà Nội đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, để giải pháp này mang lại hiệu quả thì yếu tố quyết định lại là sự thay đổi thói quen, nếp sống của người dân. Mặc dù còn nhiều xáo trộn, nhưng hy vọng với sự nỗ lực của mỗi người dân, giải pháp này sẽ tháo gỡ nút thắt cho giao thông Thủ đô vào những giờ cao điểm.


Tuyết Mai