06:19 08/06/2019

Ngày Đại dương thế giới 2019 đề cao tầm quan trọng của bình đẳng giới

Đại dương bao phủ hơn 70% diện tích bề mặt Trái Đất, nhưng lại chiếm tới 90% sinh quyển và là những vùng có thể sống được của các sinh vật trên hành tinh.

Chú thích ảnh
Rác thải nhựa trôi dạt vào bờ biển ở Ouzai, phía nam Beirut, Liban ngày 19/7/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Đại dương cũng giữ vai trò thiết yếu trong nền kinh tế toàn cầu, là nguồn cảm hứng vô tận cho những nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức mà không có biện pháp bảo vệ đầy đủ, đang khiến đại dương đối mặt với những thách thức tàn phá và hủy hoại do chính con người gây ra. 

Tại Hội nghị Thượng đỉnh trái đất tại Rio de Janeiro năm 1992, Chính phủ Canada đã đề xuất thàng lập một Ngày Đại dương trên quy mô toàn cầu và được nhiều quốc gia đồng tình ủng hộ. Trên cơ sở đó, năm 2009, Đại Hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) chính thức chọn ngày 8/6 hằng năm là Ngày Đại dương thế giới. 

Kể từ khi được đề xuất và thừa nhận đến nay, Ngày Đại dương thế giới đã có những bước phát triển quy mô, mạnh mẽ. Mỗi năm, LHQ đều đưa ra những chủ đề chính, như “Đại dương lành mạnh, hành tinh lành mạnh” là chủ đề trong năm 2015, 2016, “Làm sạch đại dương của chúng ta” năm 2018 và chủ đề của Ngày Đại dương năm 2019 là “Giới tính và đại dương” – một đề tài khá mới mẻ đối với phần lớn cộng đồng.

Tầm quan trọng của bình đẳng giới, đặc biệt đối với việc bảo tồn hiệu quả và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển đang ngày càng được công nhận. Tuy nhiên, hiện có rất ít dữ liệu cũng như nghiên cứu về các vấn đề này. Với chủ đề “Giới tính và đại dương”, Ngày Đại dương năm 2019 hướng tới nỗ lực xây dựng sự hiểu biết cũng như kết nối giữa đại dương và giới tính; khám phá những biện pháp khả thi để thúc đẩy bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương, như nghiên cứu khoa học biển, ngư nghiệp, lao động trên biển… cũng như liên hệ đến những vấn nạn nhức nhối hiện nay như di cư bất hợp pháp bằng đường biển, hoạt động buôn bán người qua đường biển đang gây ra nhiều hệ lụy và chính sách quản lý của các chính phủ…

Thời gian gần đây, những con đường di cư, buôn người bất hợp pháp trên các đại dương đang đặt ra thách thức mới, buộc các quốc gia phải nhanh chóng lấp đầy những khoảng trống trong quản lý đại dương. Không còn cách nào khác, nhiệm vụ này phải được thực hiện với sự hợp tác liên chính phủ, cùng sự tham gia của nhiều ngành nghề, nhiều tổ chức về khoa học, môi trường, kinh tế… Bảo vệ đại dương, trả lại cho nó một hệ sinh thái cân bằng, khỏe mạnh và giàu có đã trở thành vấn đề an ninh quốc tế sống còn, đòi hỏi sự phối hợp thường xuyên của toàn thế giới với một chiến dịch lâu dài trên toàn cầu.

Giống như một trái tim nắm giữ sự sống của cơ thể, đại dương chính là trái tim của Trái Đất chúng ta, là điểm kết nối tất cả sinh vật trên trái đất. Bằng những hành động cụ thể, bảo vệ môi trường, bảo vệ đại dương là bạn đang bảo vệ nguồn sống của chính mình.

TTXVN/Báo Tin tức