06:00 04/06/2020

Ngày 3/6, Việt Nam không có ca mắc mới; thêm những kỳ tích về điều trị COVID-19

Ngày 3/6 Việt Nam tròn 48 không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày, bệnh nhân phi công người Anh được cai máy thở; bệnh nhân bị nặng nhất miền Bắc ra viện.

Giữ nguyên con số 328 ca mắc COVID-19

Thông tin từ Bộ Y tế, đến 18 giờ ngày 3/6, Việt Nam tiếp tục không ghi nhận ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã 48 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số 328 ca mắc.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 8.169, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 103; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.104; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 962 trường hợp.

Bệnh nhân phi công người Anh được cai máy ECMO

Chú thích ảnh
Bệnh nhân 91 mỉm cười với y bác sĩ chăm sóc và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: BV

Ngày 3/6, bệnh nhân số 91 (bệnh nhân phi công người Anh) đã được ngừng sử dụng ECMO. ECMO là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi, hồi phục và giảm được chấn thương áp lực cũng như ngộ độc oxy ở phổi.

Hiện nay BN91 tỉnh, phản xạ ho mạnh hơn, chức năng thận đã dần hồi phục.

Tuy nhiên, tình trạng của BN91 vẫn còn nặng, cần được chăm sóc, theo dõi sát các chỉ số và tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng thuốc. Bệnh nhân còn cần nhiều tuần để cai máy thở và phục hồi chức năng vận động và các chức năng khác. Trong những ngày tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới.

Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp; dinh dưỡng cũng phải đảm bảo để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục.

4 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Chú thích ảnh
Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: BYT

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 3/6 có thêm 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình được công bố khỏi bệnh: BN305, BN309, BN317, BN318.

Hiện tại sức khỏe của các bệnh nhân ổn định, không sốt, không ho, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Các trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.

Như vậy tính đến hiện tại, Việt Nam đã có tổng số 302 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh, các trường hợp còn lại đang điều trị tại các cơ sở y tế thì đa số sức khỏe đều ổn định.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh

Bệnh nhân bị nặng nhất miền Bắc được ra viện

Sáng 3/6 bà L.T.H, 64 tuổi, bệnh nhân COVID-19 số 19, cũng là bệnh nhân nặng nhất miền Bắc điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được ra viện, về nhà.

Quá vui mừng vì những tưởng đã không có ngày bình phục để trở về như hôm nay, trong buổi xuất viện, bà L.T.H xúc động gửi lời cảm ơn tới các bác sĩ và nhân viên điều dưỡng của bệnh viện đã tận tình chăm sóc trong suốt thời gian bà nằm điều trị. Đặc biệt là các bác sĩ, chuyên gia đã nỗ lực hết sức giành giật sự sống cho bà từ tay tử thần, không quản ngại khó khăn ngày đêm.

Bệnh nhân 19 cũng chia sẻ, sau khi trở về TP Hồ Chí Minh, bà sẽ vào Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục theo dõi bệnh tim mạch.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân số 19 đã bình phục rất tốt. Ảnh: BV

Bệnh nhân 19 là bác của bệnh nhân 17 (ca mắc COVID-19 đầu tiên ở Hà Nội); bệnh nhân nhập viện ngày 7/3 và điều trị cho tới nay. Đây cũng bệnh nhân nặng nhất trong số các ca COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân số 19 cũng là bệnh nhân có thời gian điều trị lâu nhất với gần 3 tháng điều trị kể từ khi phát hiện mắc bệnh.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhân từng diễn biến nặng và rất nặng, nhiều lúc nguy kịch; phải can thiệp thở máy xâm nhập, chạy hệ thống tim phối nhân tạo (ECMO) và đã có lúc ngừng tuần hoàn trong đêm khiến các y bác sĩ phải cấp cứu liên tục suốt hơn 40 phút mới có thể tái lập tuần hoàn cho người bệnh.

 

PV/Báo Tin tức