03:00 27/03/2020

Ngày 26/3: Thêm 12 ca mắc COVID-19, cấm tụ tập trên 20 người trong 2 tuần tới

Ngày 26/3, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 12 ca mắc COVID-19, hầu hết là người từ nước ngoài về, có ca đã tiếp xúc nhiều trong cộng đồng. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tưởng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian 2 tuần tới, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người.

Từ 0 giờ ngày 28/3 cấm tụ tập trên 20 người

Sáng 26/3, phát biểu tại cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo trong thời gian 2 tuần tới, chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương các thành phố: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ đã kịp thời dừng các hoạt động đông người; đóng cửa các dịch vụ không cần thiết một cách quyết liệt. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã có nhiều biện pháp thông tin đến cộng đồng; hỗ trợ các sinh viên, du học sinh Việt Nam tại nước ngoài về nước, đặc biệt là các trường hợp bị kẹt lại do thay đổi chính sách hàng không của các quốc gia.

Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Công an đã nhanh chóng "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để rà soát, tổng hợp báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ số lượng các đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam, làm cơ sở để tiến hành xử lý cách ly nếu cần thiết.

Thủ tướng cho biết ngày 31/3 tới, Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho phát triển kinh tế. Cuộc họp này sẽ bàn các giải pháp cụ thể để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời cũng tăng cường công tác an sinh xã hội, chăm lo cho công nhân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; tăng cường an ninh trật tự, an ninh quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thông tin tại cuộc làm việc cho thấy, các quốc gia trên thế giới đã triển khai nhiều biện pháp mạnh để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tại châu Âu, Thụy Sĩ đã huy động hàng nghìn quân dự bị tham gia phòng dịch. Đây là lần đầu tiên Thụy Sĩ phải sử dụng biện pháp này kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Quốc gia này đã đóng cửa các trường học, cấm tụ tập từ 5 người trở lên và những ai không đứng cách đủ 2 mét so với người khác có thể sẽ bị phạt.

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là chính quyền các cấp cũng phải tăng tốc triển khai các biện pháp mạnh nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

"Virus sẽ lây lan nhanh hơn hành động của chúng ta nếu chúng ta không triển khai phòng, chống kịp thời, quyết liệt", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu người đứng đầu chính quyền các cấp tạm dừng tất cả các hoạt động hội họp và các sự kiện có trên 20 người; dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo. Đóng cửa các dịch vụ không cần thiết như massage, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, bia hơi, nhà hàng ăn uống, các điểm tham quan du lịch, vui chơi giải trí.

Thủ tướng cho biết sẽ xử lý nghiêm chính quyền địa phương nếu để xảy ra tụ tập trên 20 người; đồng thời nhắc nhở UBND quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội trong ngày mùng 1 âm lịch vừa qua để xảy ra việc có quá nhiều người đi lễ chùa trên địa bàn.

Thủ tướng nêu rõ, thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ cần đóng cửa toàn bộ các hoạt động dịch vụ không cần thiết trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, dược phẩm.

Điều trị thành công cho thêm 3 bệnh nhân

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến tối 26/3, trong số 153 bệnh nhân mắc COVID-19 đã có 37 bệnh nhân đang điều trị đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 1-4 lần. Trong đó, có 3 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được chữa khỏi, sẽ được chuyển cơ sở điều trị trong ngày 27/3 để được tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Cụ thể, trong đó 27 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 1; 2 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 2; 4 bệnh nhân có kết quả âm tính lần 3; đặc biệt có 4 bệnh nhân đã âm tính 4 lần là các bệnh nhân số 29, 45, 53 và 66. Các bệnh nhân số 45, 53 và 66 đã bình phục, sẽ được chuyển cơ sở điều trị trong ngày 27/3 để được tiếp tục theo dõi sức khoẻ.

Về sức khoẻ của của 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, có 1 bệnh nhân đã được chỉ định can thiệp ECMO; 2 bệnh nhân còn lại thở oxy. Liên tục trong những ngày qua, các chuyên gia đầu ngành và bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã nỗ lực hội chẩn, điều trị cho các trường hợp ca bệnh này.

Hạn chế chuyển tuyến người bệnh lên Bệnh viện Bạch Mai

Ngày 26/3, Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê đã ký văn bản số 373/KCB-QLCL&CĐT gửi các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hạn chế chuyển tuyến người bệnh lên khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Chú thích ảnh
Các lực lượng công an, bảo vệ được tăng cường tại cổng số 1 Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Công văn nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ Y tế về việc hạn chế công tác khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các Sở Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện công tác chuyển tuyến người bệnh lên tuyến trên như sau:

Các cơ sở tổ chức khám, chữa bệnh tại chỗ toàn bộ người bệnh theo tuyến đã được phê duyệt và thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, hạn chế tối đa chuyển người bệnh lên tuyến trên.

Đối với người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại tuyến tỉnh, khi chuyển tuyến, ưu tiên chuyển đến các bệnh viện đầu ngành đã được quy định tại Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 quy định phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám, chữa bệnh.

Trường hợp đặc biệt, người bệnh bắt buộc phải chuyển tuyến đến điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, yêu cầu cán bộ y tế, người bệnh, người nhà người bệnh tuân thủ các quy định phòng hộ cá nhân, tránh lây nhiễm trong bệnh viện.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo: Người dân không ra đường, nếu không có việc thực sự cần thiết. Những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian; Thông báo cho chính quyền và công an sở tại về những người nhập cảnh vào Việt Nam (kể cả công dân Việt Nam và nước ngoài) từ 8/3/2020 đến nay không thực hiện cách ly.  Các địa phương chấp hành nghiêm quy định tạm thời dừng hoạt động tại các điểm vui chơi, giải trí; xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2

Thông tin từ Bộ Y tế ngày 26/3 cho biết: Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã ký Quyết định 1344/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (dịch COVID-19).

Theo đó, người mắc COVID-19 tử vong thường xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Thời gian ủ bệnh là từ 2 - 14 ngày, trung bình từ 5 - 7 ngày. Triệu chứng khởi phát hay gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. Một số trường hợp đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng từ 7 - 8 ngày.

Hầu hết người bệnh (khoảng 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng 1 tuần. Trong đó, khoảng 14% số ca bệnh có diễn biến nặng như viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện. Khoảng 5% ca bệnh cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận, cơ tim, dẫn đến tử vong…

Ở trẻ em, các biểu hiện lâm sàng đa số nhẹ hơn người lớn hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ em là sốt và ho hoặc các biểu hiện viêm phổi. Tỷ lệ bệnh nặng, nguy kịch ít gặp hơn ở người lớn.

Người bệnh sau khi điều trị sẽ được xuất viện nếu hết sốt ít nhất 3 ngày. Các triệu chứng lâm sàng cải thiện tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, xét nghiệm máu bình thường, X-quang phổi cải thiện. Đặc biệt là có ít nhất 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp lấy cách nhau ít nhất trong 24 giờ cho kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Sau khi ra viện, người bệnh sẽ tiếp tục được cách ly tại nhà trong 14 ngày và phải tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày...

Nhiều quán ăn, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tạm dừng hoạt động

Từ sáng 26/3, nhiều quán cà phê, cửa hàng ăn uống, cửa hàng kinh doanh trên địa bàn các quận nội thành thủ đô đã tạm ngừng hoạt động. Đây là một trong những biện pháp mạnh mẽ của thành phố Hà Nội nhằm hạn chế sự lây lan dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Những quán trà chanh tại phố Nhà Thờ vốn đông đúc, nhộn nhịp suốt ngày; giờ cũng đã "cửa đóng, then cài". Ảnh: Trung Nguyên.

Trong khi đó, hầu hết các quán ăn, cà phê, nhà hàng tại TP Hồ Chí Minh đều tuân thủ chỉ đạo ngừng kinh doanh, nếu mở cửa thì cũng không có khách.

Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức chiều 26/3 cho thấy, hầu hết các quán ăn, cà phê hoặc quán nhậu trên địa bàn các Quận 1, 2,3... đều đã đóng cửa. Dù một số quán ăn vẫn mở cửa, nhưng hầu như không có khách nào. Việc người dân tuân thủ khuyến cáo hạn chế ra đường cũng đã khiến đường xá TP Hồ Chí Minh vắng vẻ hơn.

Bên cạnh đó, chiều 26/3, ông Từ Lương, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP Hồ Chí Minh cho biết, đã xác định được 18 tài khoản đăng thông tin bịa đặt “TP Hồ Chí Minh sẽ bị phong toả 14 ngày".

Ông Từ Lương cho biết, qua điều tra xác minh có 18 tài khoản đăng tin, trong đó 8 tài khoản chủ động tháo gỡ ngay thông tin sau khi báo chí đăng tải thông tin nói trên là bịa đặt. Năm tài khoản ở Bình Định, Đồng Nai và Quảng Trị vẫn chưa tháo gỡ thông tin; 5 tài khoản ở nước ngoài.

XC/Báo Tin tức