02:10 24/02/2011

Ngày 25/2:Sẽ có quyết định chính thức chữa trị, bảo vệ rùa Hồ Gươm

Sau khi dư luận lên tiếng về việc cụ rùa Hồ Gươm đang gặp nguy hiểm, để tìm biện pháp bảo vệ rùa Hồ Gươm, Sở KHCN Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học để tìm biện pháp cứu cụ rùa một cách tối ưu.

Sau khi dư luận lên tiếng về việc cụ rùa Hồ Gươm đang gặp nguy hiểm, để tìm biện pháp bảo vệ rùa Hồ Gươm, Sở KHCN Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học để tìm biện pháp cứu cụ rùa một cách tối ưu. PGS Hà Đình Đức bày tỏ lo lắng:


Qua các bức ảnh chụp đã được đăng tải trên các báo, trên cổ, mai cụ Rùa có nhiều vết thương nên cần phải đưa ngay lên chân tháp Rùa để chữa trị, tránh để tình trạng ngày càng xấu thêm.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong nước đã đưa ra nhiều ý kiến phải nhanh chóng cải thiện, bảo vệ sự sống cho cụ Rùa ở Hồ Gươm hiện nay. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí cho rằng, tính mạng của rùa Hồ Gươm đang bị đe dọa do môi trường nước bị ô nhiễm và một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội, Phó Ban chỉ đạo tìm biện pháp chữa trị, chăm sóc và bảo vệ rùa Hồ Gươm: Có 2 cách chữa trị cho rùa. Thứ nhất là không đưa rùa lên cạn mà xử lý nước hồ với việc cấp nước vào hồ, tiếp đến dùng chất khử trùng thế hệ mới để giảm thiểu mầm bệnh trong nước hồ. Sau 48 tiếng sử dụng chế phẩm vi sinh; định kỳ 20-30 ngày một lần lại sử dụng chế phẩm này để tái tạo nguồn sinh vật có lợi trong hồ, đồng thời nạo vét bùn ô nhiễm. Tuy nhiên, cách này lại không xử lý triệt để vết thương cho rùa.

Cách thứ hai là đưa rùa lên cạn để xử lý vết thương và kết hợp với xử lý môi trường hồ như cách một. Cách này được chia làm nhiều bước, cụ thể: Từ bắt rùa, đưa vào bể nước đã xử lý, lấy mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm, xử lý vết thương, phân tích tác nhân gây bệnh, tính toán liều lượng thuốc cần dùng để chữa trị xong mới thả rùa trở lại hồ.

Ông Rao cho biết, tại hội thảo gần đây, rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã nghiêng về giải pháp đưa rùa Hồ Gươm lên bờ để chữa trị triệt để; đồng thời tiếp tục nạo hút bùn ở đáy hồ, vớt hết rác thải, vật nhọn và đặc biệt là tăng cường tuyên truyền để người dân không phóng sinh rùa tai đỏ và các sinh vật lạ xuống Hồ Gươm.

Sau khi lắng nghe ý kiến các nhà khoa học về các biện pháp thử nghiệm, ngày 25/2, UBND thành phố Hà Nội sẽ có quyết định chính thức về các phương pháp, loại bẫy được lựa chọn để bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác nhằm chữa trị các vết thương và cải thiện môi trường sống cho cụ Rùa Hồ Gươm.

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, cải tạo môi trường Hồ Gươm sẽ là việc được triển khai ngay trong những ngày tới. Hiện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch bổ sung nước cho hồ, chuẩn bị phương tiện nạo vét vật cản có thể ảnh hưởng đến đường di chuyển của rùa... Về lâu dài, các công nghệ tiên tiến sẽ được triển khai để nạo vét bùn ở khu vực trung tâm của hồ nhằm không ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường sống của các loài động vật.

Ngoài ra, việc bổ sung bè thực vật thủy sinh theo tư vấn của nhiều chuyên gia đến từ Viện Công nghệ môi trường, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường cũng được tính đến. Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, việc thử nghiệm các phương pháp đánh bắt rùa tai đỏ hiện vẫn đang được Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành khẩn trương tại hồ Mỗ Lao và hồ Văn Quán thuộc quận Hà Đông và đã đạt hiệu quả bước đầu. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho việc bảo vệ cụ rùa Hồ Gươm.

Thanh Trà- Xuân Minh