09:21 24/09/2021

Ngày 24/9, Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên từ bán thành phẩm, cả nước thêm 8.537 ca F0

Ngày 24/9, cả nước ghi nhận 8.537 ca nhiễm mới; Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên từ bán thành phẩm; Tiếp tục xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch… là những thông tin nổi bật được nhiều bạn đọc quan tâm.

Chú thích ảnh
Lực lượng y tế phường Nguyễn Du (Hà Nội) lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong ngõ 21 Trần Nhân Tông. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát thêm 8.537 ca F0  

Trong tổng số 8.537 ca nhiễm mới có 7 ca nhập cảnh và 8.530 ca ghi nhận trong nước (giảm 935 ca so với ngày 23/9) tại 34 tỉnh, thành phố; trong đó có 4.068 ca trong cộng đồng). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thành phố Hồ Chí Minh (1.266 ca), Tây Ninh (33 ca), Đắk Nông (29 ca). Số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bình Dương (214 ca), Tiền Giang (45 ca), Đồng Nai (43 ca).

Trong 7 ngày qua, trung bình số ca nhiễm mới trong nước là 9.894 ca/ngày. Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 736.972 ca nhiễm, đứng thứ 46/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.489 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 732.492 ca, trong đó có 500.680 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.  

Có 16/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước gồm: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Phú Thọ, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, Thái Bình, Lạng Sơn. Có năm tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là Quảng Ninh, Lào Cai, Hà Tĩnh, Kon Tum, Hải Dương.  

Tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trong ngày là 203 ca; trong đó tại Thành phố Hồ Chí Minh (140 ca), Bình Dương (30 ca), Đồng Nai (15 ca), Long An (7 ca), Cần Thơ (3 ca), An Giang (2 ca), Trà Vinh, Đà Nẵng, Kiên Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Thanh Hóa (mỗi địa phương 1 ca). Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ 47 đợt vaccine, trong đó, ngày 19/9 là đợt phân bổ nhiều nhất với 8 triệu liều vaccine trong 1 đợt. Đến ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết khoảng 50,2 triệu liều vaccine được phân bổ cho các địa phương.  

Việt Nam sản xuất thành công lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên từ bán thành phẩm

Công ty trách nhiệm hữu hạn MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế đã công bố sản xuất thành công lô vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên tại Việt Nam  Lô vaccine Sputnik V gia công tại Vabiotech đã được Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu.  

Trước đó, ngày 26/8, lô vaccine Sputnik V mã số SV-030721M sản xuất tại Vabiotech đã được Viện Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamalaya, Liên bang Nga phân tích, thẩm định và đánh giá đáp ứng yêu cầu của tài liệu quy chuẩn.

"Thành công này sẽ giúp Việt Nam sớm tiếp cận được nguồn vaccine chất lượng, góp phần đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Trong tháng 9 này, Công ty sẽ làm thủ tục nhập bán thành phẩm vaccine Sputnik V về Việt Nam để nhanh chóng đóng ống, đóng gói vaccine này tại Việt Nam nhằm chủ động nguồn cung vaccine Sputnik V tại Việt Nam", ông Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Vabiotech chia sẻ.

Vaccine Sputnik V phát triển dựa trên nền tảng vectơ adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới, lịch tiêm là 2 mũi, khoảng cách giữa 2 mũi là 3 tuần. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được công bố trên tạp chí "The Lancet", vaccine Sputnik V đạt hiệu quả lên tới 91,6 %.

Riêng đối với tình nguyện viên trên 60 tuổi, tỷ lệ này là 91,8%. Sau tiêm, 98 % tình nguyện viên có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp có điều kiện vào ngày 23/3. Ngày 21/7, Vabiotech đã chính thức công bố việc sản xuất thử nghiệm vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Cũng theo ông Đỗ Tuấn Đạt, Vabiotech cũng thúc đẩy việc nộp hồ sơ vaccine Sputnik Light để nhanh chóng đăng ký sớm cho vaccine này, sau đó Vabiotec sẽ trao đổi với nhà cung cấp ở Nga để đóng gói đóng ống vaccine này tại Việt Nam. Khác với các loại vaccine khác, Sputnik Light chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất.

Tiếp tục xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch

Công an thành phố Hà Nội cho biết, từ 11 giờ ngày 23/9 đến 11 giờ ngày 24/9, lực lượng thực thi nhiệm vụ tại 22 chốt ở các cửa ngõ Thủ đô đã kiểm soát 16.944 lượt phương tiện (trong đó có 26 lượt phương tiện vận tải hành khách) với 23.983 lượt người qua chốt; trong đó, đã yêu cầu 2.727 lượt phương tiện quay đầu (1.860 lượt phương tiện không cho vào thành phố, 867 lượt phương tiện không cho ra ngoài thành phố).  

Bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm Chỉ thị của Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội, lực lượng Công an Thủ đô đã phát hiện, lập hồ sơ, tham mưu chính quyền các cấp xử phạt hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch đối với 75 trường hợp (có 32 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và 43 trường hợp có hành vi vi phạm khác).  

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, rất đông người dân ra, vào thành phố, khiến một số tuyến đường vành đai có mật độ giao thông tăng cao, thậm chí, tại một số chốt kiểm soát dịch nơi cửa ngõ Thủ đô đã xảy ra hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tương tự, tại các tuyến đường trên địa bàn nội đô cũng xuất hiện tình trạng ùn tắc tại các nút giao có đèn tín hiệu giao thông vào giờ cao điểm từ 6h30 đến 8h30 và từ 17 giờ đến 18 giờ 30 phút. 

Đặc biệt, một số tuyến phố đã xảy ra xung đột, va chạm giao thông, nhưng rất may không có thiệt hại về người. Điển hình, khoảng 17h ngày 23/9, anh N.N.K (43 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) lái xe ôtô biển kiểm soát 15A-758.XX đi trên đường Hoàng Đạo Thúy đến khu vực ngã tư giao đường Hoàng Ngân, bất ngờ đâm vào một số xe máy phía trước cùng chiều đường khi đang dừng đèn đỏ.

Vụ tai nạn khiến một người bị thương phải nhập viện điều trị và có 3 chiếc xe bị hư hỏng. Hiện vụ việc đang được Công an quận Cầu Giấy điều tra, làm rõ, để xử lý theo quy định pháp luật.

Chú thích ảnh
Lực lượng công an kiểm tra mã QR của người dân vào Hà Nội tại chốt kiểm soát dịch cầu Phù Đổng. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Đa số shipper đã được tiêm vaccine phòng COVID-19

Tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có 160.000 shipper đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 và 33.025 shipper đã tiêm 2 mũi, còn lại khoảng 2.000 shipper chưa tiêm và các quận huyện đang triển khai tiêm.  

Liên quan đến các shipper, ngày 24/9 - ngày đầu các shipper được doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm thay vì trạm y tế lưu động, Sở Công Thương đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ shipper và đề nghị doanh nghiệp tổ chức phát các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho lực lượng shipper để các shipper tự xét nghiệm theo nguyên tắc mẫu đơn hoặc mẫu gộp ba người với tần suất 3 ngày/lần.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, các shipper gửi kết quả cho doanh nghiệp quản lý để xác nhận thông tin và cập nhật dữ liệu lên Kho Dữ liệu dùng chung của Thành phố theo hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông để liên thông dữ liệu với Công an Thành phố.

Sở Công Thương và các đơn vị chức năng phối hợp kiểm tra, trường hợp phát hiện các doanh nghiệp chưa đảm bảo việc thực hiện theo điều kiện quy định hoặc có thông tin phản ánh qua báo chí, truyền thông, Sở Công Thương sẽ tạm ngưng hoạt động của các ứng dụng giao hàng của doanh nghiệp có đăng ký với Sở Công Thương và có văn bản thông báo với Công an Thành phố, các cơ quan chức năng về việc ngưng hoạt động của các ứng dụng giao hàng bằng công nghệ do doanh nghiệp cung cấp.  

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Sở Công Thương nhận được phản ánh việc một số doanh nghiệp test cho shipper có thu phí, Sở đã làm việc và được biết có 2 đơn vị thu phí test của shipper do Thành phố triển khai cấp kit test nhưng trưa 24/9 các đơn vị này mới nhận được thông tin. Trong khi trước đó, các đơn vị này đã ký hợp đồng với bệnh viện để shipper đến bệnh viện xét nghiệm và đóng phí 75.000 đồng. Theo đó, Sở Công Thương đã đề nghị các đơn vị này chấm dứt thu phí.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố cho biết thêm, đã cấp kit test mang về nhưng một số doanh nghiệp vẫn đề nghị shipper ra cơ sở y tế xét nghiệm là không đúng và yêu cầu các đơn vị làm đúng theo hướng dẫn.

Chánh Văn phòng Sở Y tế cho rằng, sở dĩ có sự tụ tập đông người tại các điểm xét nghiệm trong ngày 24/9 là do các shipper và các tài xế chạy xe công nghệ đến xét nghiệm, tuy nhiên Thành phố chỉ ưu tiên cho shipper nên số lượng kit test không đủ. Hiện, Sở Y tế đã thực hiện theo công văn của Sở Công Thương và cũng đã phát đủ số kit test để Sở Công Thương phát cho các công ty giao hàng công nghệ.  

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã lập 22 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện. Tính đến 11 giờ ngày 24/9, đã có 14 đoàn làm việc với các địa phương. Sau khi tất cả các đoàn hoàn thành công tác sẽ có đánh giá tổng thể công tác phòng, chống dịch của toàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số mũi vaccine phòng COVID-19 đã triển khai tiêm đến ngày 23/9 là 9.068.788, trong đó, tổng số mũi 1 là 6.790.745, mũi 2 là 2.278.043.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết: Hiện 95% người dân trên 18 tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên cần lưu ý, miễn dịch cộng đồng tính trên tỷ lệ tiêm chủng 2 mũi vaccine. Hiện trong kho của HCDC có hơn 1 triệu liều vaccine các loại.  

Khởi tố vụ án hình sự về vi phạm phòng dịch COVID-19

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" được phát hiện ngày 9/9 tại Công ty Mỹ phẩm Đông Anh (Khóm 4, Phường 7, thành phố Bạc Liêu). Công ty này do bà Nguyễn H.Nh. làm chủ.  

Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Bạc Liêu) cũng đã có lệnh khám xét nơi làm việc của bà Nh. ở Khóm 10, Phường 1 (thành phố Bạc Liêu) và tại Khóm 4, Phường 7 (thành phố Bạc Liêu).  

Trước đó, vào ngày 9/9, bà Nguyễn H.Nh. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Việc điều tra, truy vết của ngành chức năng cho thấy, từ ngày 23/8 đến ngày 7/9, bà Nh. dù thuộc diện F2 phải cách ly 14 ngày tại nhà nhưng vẫn đến nhiều địa điểm trong thành phố Bạc Liêu và tiếp xúc với nhiều người.

Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã xác định có 7 ca F0, gần 100 trường hợp  F1, F2 thuộc chuỗi lây nhiễm do bà Nh. gây ra.

V.T/Báo Tin tức