03:01 23/03/2020

Ngày 22/3, số bệnh nhân COVID-19 tăng vọt lên 113; tăng cường kiểm soát y tế trên mọi phương tiện vận chuyển

Ngày 22/3 đã ghi nhận thêm 19 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, đều là những người trở về trong các chuyến bay từ nước ngoài. Đa số các bệnh nhân được phát hiện trong thời gian cách ly. Công tác phòng chống COVID-19 vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.

Chú thích ảnh
Cách ly điều trị các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19. Ảnh: ĐP

Ngày 22/3, Bộ Y tế công bố: Thêm 19 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các khu vực lân cận. Như vậy, đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận 113 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 ca điều trị khỏi (16 ca đã ra viện, 1 trường hợp là bệnh nhân thứ 18 đã 3 lần xét nghiệm âm tính, không còn ho, sốt, hoàn toàn khỏe mạnh và đã được chuyển từ Bệnh viện đa khoa Ninh Bình sang Bệnh viện đa khoa Thái Bình theo dõi sức khỏe). Các ca đang điều trị đa số có sức khoẻ ổn định, hiện đã có 3 bệnh nhân âm tính với COVID-19 hai lần liên tiếp. Hai ca nặng đang được tích cực điều trị. 

Theo thống kê, đa số các bệnh nhân của ngày 22/3 đều là những người trở về Việt Nam trong các chuyến bay từ nước ngoài: Pháp, Malaysia, Anh. Thông tin tích cực là hầu hết các bệnh nhân của ngày 22/3 đều được phát hiện trong giai đoạn được giám sát về y tế (cách ly tại nhà và cách ly tập trung), nên ngoài bệnh nhân số 100 có đi lễ tại thánh đường, thì các ca bệnh khác đều trong vòng kiểm soát.

Trước những diễn biến tiếp tục của dịch bệnh, công tác phòng chống tiếp tục được các cấp, các ngành tăng cường, đặc biệt trong ngày 22/3, vẫn còn một số chuyến bay đến từ các vùng lãnh thổ và quốc gia về tới Việt Nam. Tin từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, trong ngày 22/3 có 15 chuyến bay đến từ các nước và vùng lãnh thổ gồm Đức, Nga, Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), Singapore, Nhật Bản, Ấn Độ, Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc)… đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Cụ thể, số lượng hành khách đi trên các chuyến bay trở về từ các vùng dịch nói trên là 2.348 người; trong đó, số liệu đặt vé cho thấy có 2.146 khách Việt Nam và 202 khách quốc tế.

Chú thích ảnh
Khu kiểm tra thân nhiệt tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN

Trong ngày 22/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đã ký công văn hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu khẩn trương triển khai thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc trên các chuyến bay nội địa và phương tiện giao thông công cộng nhằm phát hiện sớm ca bệnh và ngăn chặn lây lan kịp thời dịch bệnh COVID-19. Như vâỵ, hành khách, người điều khiển và chủ các phương tiện giao thông đường không, đường sắt, đường bộ, đường thuỷ phải thực hiện ngay việc khai báo y tế điện tử bắt buộc đối với tất cả các hành khách trước khi thực hiện hành trình trên các chuyến bay nội địa, tàu hỏa, tàu chở khách du lịch và xe khách liên tỉnh. Hình thức khai báo là trên ứng dụng Vietnam Health Declaration và website http://tokhaiyte.vn. Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu hành khách trước khi thực hiện hành trình của mình phải thực hiện khai báo y tế điện tử bắt buộc và cung cấp cho nhân viên sử dụng ứng dụng, thực hiện quét mã "QR code" mà khách được cấp khi khai trên ứng dụng này.

Triển khai chỉ đạo này, ngay trong ngày 22/3, Vietnam Airlines và Bamboo Airways đã ra thông báo về yêu cầu trước khi thực hiện hành trình bay nội địa, các hành khách cần phải khai báo y tế điện tử bắt buộc.

Trong một số ngày gần đây, trước thông tin về các nghiên cứu gần đây cho rằng thuốc chloroquine dùng để điều trị sốt rét có thể đạt hiệu quả trong điều trị bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra, nhiều người dân đã vội đi mua, tích trữ loại thuốc này với mục đích dự phòng khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Trao đổi về vấn đề này, TS. Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết: Việc này chưa có cơ sở. “Kể cả với bệnh sốt rét cũng không dùng thuốc này để uống phòng bệnh. Người dân không được tuỳ tiện sử dụng thuốc để điều trị, nếu dùng phải có sự chỉ định của bác sĩ. Đó phải là những loại thuốc đã có khuyến cáo của các tổ chức có uy tín, đã được nghiên cứu, có bằng chứng khoa học và khuyến cáo sử dụng”- TS Nguyễn Quang Thiều khuyến cáo.

Trong khi đó, sáng 22/3, tại khu cách ly tập trung ở Ký túc xá (KTX) Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi có thông báo nhận đồ tiếp tế cho người đang thực hiện cách ly tập trung do dịch COVID-19 tại nhiều người dân TP Hồ Chí Minh đã mang đồ ăn, thức uống, vật dùng cá nhân... đến cho người thân. Điều này khiến khu vực cổng ra vào khu cách ly trở nên quá tải, lực lượng làm nhiệm vụ ở đây cũng khá vất vả khi phải tiếp nhận và vận chuyển lượng hàng hóa khá lớn như vậy, trong khi vẫn đang phải tập trung vào việc ổn định hoạt động và triển khai phòng chống dịch trong khu cách ly. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người tiếp tế cũng tiềm ẩn các nguy cơ lây lan bệnh dịch.

Chú thích ảnh
Lượng hàng tiếp tế trong buổi sáng 22/3 khá đông khiến cổng khu cách ly luôn trong tình trạng ùn ứ. Ảnh: Đỗ Quyên - Hoàng Tuyết

Ông Đặng Bá Bính, Trưởng bộ phận Văn hoá thông tin hỗ trợ sinh viên thuộc Ban quản lý KTX Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, cho biết: "Các điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất trong khu cách ly khá đầy đủ, không thiếu thốn nên người dân hãy yên tâm và khi tiếp tế, hạn chế tiếp tế đồ đạc cồng kềnh để giảm bớt gánh nặng cho các lực lượng dân phòng, dân quân tự vệ…”

Thủ tướng biểu dương toàn quân quên mình chống đại dịch COVID-19
Chiều 22/3, tại Cục Quân y, Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo buổi làm việc trực tuyến với 50 điểm cầu trong toàn quân về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Thủ tướng khẳng định, Quân đội nhân dân Việt Nam là Quân đội Anh hùng; hiện đang đứng mũi, chịu sào nơi đầu sóng, ngọn gió trong trận tuyến phòng, chống COVID-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương toàn quân với tinh thần “vì nhân dân quên mình”, khắc phục khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong bối cảnh cả nước chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19.
Giao nhiệm vụ cho lực lượng Quân đội trong thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo trước hết cần bảo vệ chính mình; không để dịch bệnh lây lan trong đơn vị, đồng thời mong muốn toàn quân cần cố gắng hơn nữa, hỗ trợ nhiều hơn nữa, điều hành các điểm cách ly trên toàn quốc thành công với tiêu chí: Quân đội điều hành, các địa phương hỗ trợ cách ly, Bộ Y tế hỗ trợ chuyên môn. Thủ tướng thân ái gửi lời thăm hỏi đến các bộ chiến sỹ trong toàn quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ cách ly, các đơn vị, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại biên giới, hải đảo xa xôi.

PV/Báo Tin tức