11:17 13/11/2017

Ngày 21/11, khai mạc Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

Với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2017 - 2022) sẽ được tổ chức vào ngày 21 - 22/11, tại Hà Nội, với sự tham dự của 1.250 đại biểu.

Thông tin trên được Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết tại buổi họp báo chiều 13/11.

Tại Đại hội này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổng kết công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017), thảo luận chương trình hoạt động nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022), thông qua sửa đổi Hiến chương lần thứ VI và suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh, suy cử Hội đồng Trị sự khóa mới cùng một số hoạt động phật sự quan trọng khác.

Trong nhiệm kỳ tới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra 9 mục tiêu, trong đó chú trọng phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội. Giáo hội đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.

Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân…

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhiệm kỳ qua, Giáo hội đã có nhiều thành tựu phật sự nổi bật. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập được tổ chức Giáo hội. Nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại đã được tổ chức, nổi bật là Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2014 với chủ đề “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc”.

Giáo hội đã khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh, nâng tổng số chùa ở quần đảo lên 6 ngôi chùa, giao cho Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Khánh Hòa cử chư tăng ra trụ trì, chia sẻ với các chiến sỹ đang ngày đêm bám biển, bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, Giáo hội khánh thành các chùa ở biên giới như Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc, Trúc Lâm Tà Lùng (Cao Bằng), Tân Thanh (Lạng Sơn), chùa đền sông Bắc Luân (Móng Cái, Quảng Ninh). Đây được coi là những cột mốc tâm linh quốc gia giữ gìn bờ cõi, đồng thời truyền tải thông điệp xây dựng đời sống hòa bình ở khu vực biên giới.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng quan tâm chăm lo đời sống tâm linh của phật tử trong nước và nước ngoài, thành lập Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Angola…, củng cố hội phật tử tại Lào và Campuchia. Công tác từ thiện xã hội, chăm lo an sinh cho cộng đồng được chú trọng, với số tiền ủng hộ, hỗ trợ lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. 

Chu Thanh Vân (TTXVN)