04:14 26/04/2012

"Ngày 1.000 tỷ USD" tại Mỹ

Ngày 25/4, tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã đồng loạt xuống đường biểu tình để đánh dấu thời điểm tổng món nợ đọng của sinh viên gần chạm ngưỡng đáng báo động 1.000 tỷ USD.

Ngày 25/4, tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ, đông đảo sinh viên các trường đại học, cao đẳng đã đồng loạt xuống đường biểu tình để đánh dấu thời điểm tổng món nợ đọng của sinh viên gần chạm ngưỡng đáng báo động 1.000 tỷ USD.

Tại New York, những sinh viên biểu tình đã mặc trên người các tấm áp-phích ghi rõ số nợ của từng người và tuần hành rầm rộ quanh khu vực công viên Quảng trường Liên minh của thành phố. Họ giương cao các biểu ngữ phản đối tình trạng vỡ nợ ở sinh viên trong nhiều năm qua. Nhiều đối tượng quá khích thậm chí còn châm lửa đốt các biên lai ghi nợ của các ngân hàng. Tại trường Đại học Wisconsin ở thành phố Madison, hàng chục sinh viên cũng đã biểu tình bên ngoài thư viện của trường, bất chấp thời tiết mưa gió.

Các cuộc biểu tình, có tên gọi "Ngày 1.000 tỷ USD", diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Barack Obama đang có chuyến thăm tới một số trường đại học ở các bang Iowa, North Carolina, Colorado... để nói chuyện với các sinh viên về chiến dịch cải cách giáo dục. Ông đồng thời kêu gọi Quốc hội tiếp tục duy trì mức lãi suất cho vay thấp đối với hơn 7,4 triệu sinh viên nước này. Nếu các nhà hoạch định chính sách không có các hành động kịp thời, đến ngày 1/7 tới, lãi suất cho vay đối với sinh viên sẽ tăng gấp đôi lên tới 6,8%.

Nợ sinh viên đã được giới hữu trách Mỹ cảnh báo là "quả bom nổ chậm" đe dọa nền kinh tế đứng đầu thế giới này. Đầu tháng 3 vừa qua, Hiệp hội toàn quốc các luật sư chuyên trách về phá sản và vỡ nợ của người tiêu dùng (NACBA) cho biết trong vài năm qua, số lượng sinh viên Mỹ nộp đơn xin bảo lãnh vỡ nợ đã và đang gia tăng với tốc độ đáng báo động. NACBA nêu rõ lượng tiền cho sinh viên vay trong năm 2010 đã lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 100 tỷ USD, và đến hết tài khóa 2011, tổng số tiền cho sinh viên vay nhưng chưa trả lần đầu tiên gần vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Trong tổng món nợ đọng của sinh viên, khoảng 5% là thuộc về số sinh viên nay đã ở độ tuổi 60. Do nợ kéo dài, số sinh viên đã cao tuổi ở Mỹ vẫn phải đi làm để có tiền trả nợ ngày càng nhiều. Năm 2001, chỉ có khoảng 13% người Mỹ từ 65 tuổi trở lên vẫn đi làm việc nhưng đến năm 2011, tỷ lệ này đã tăng lên mức 18%.

Một trong những nguyên nhân khiến sinh viên Mỹ mang nợ ngày càng nhiều là vì học phí của các trường ngày càng cao. Thống kê của tổ chức “College Board” cho biết riêng trong năm 2010, học phí của các trường đại học công lập ở Mỹ tăng 5,4% và trường tư tăng 4,3%.

TTXVN/Tin tức