08:06 12/08/2020

Nga-Trung trong nỗ lực từ bỏ đô-la Mỹ để tiến tới 'liên minh tài chính'

Tỷ lệ của "đồng bạc xanh" trong các giao dịch thương mại của Nga và Trung Quốc lần đầu tiên giảm xuống dưới 50%.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh trong chuyến thăm vào tháng 6/2019. Ảnh: Reuters

Theo tờ Nikkei Asian Review, Nga và Trung Quốc đang hợp tác để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ - một diễn biến mà các chuyên gia dự đoán có thể dẫn đến một "liên minh tài chính" giữa hai nước.

Trong quý đầu tiên của năm 2020, tỷ trọng của đồng USD trong thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã lần đầu tiên giảm xuống mức kỷ lục là dưới 50%, theo dữ liệu gần đây từ Ngân hàng Trung ương và Cục Hải quan Liên bang Nga.

Đồng bạc xanh chỉ được sử dụng cho 46% thanh toán thương mại giữa hai nước. Trong khi đó, giao dịch bằng đồng euro lại tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 30%, và đồng nội tệ của hai nước cũng chiếm 24%, một mức cao mới.

Từ vài năm trở lại đây, Nga và Trung Quốc đã cắt giảm mạnh việc sử dụng USD trong thương mại song phương. Vào cuối năm 2015, khoảng 90% giao dịch giữa hai nước được thực hiện bằng đồng đô-la Mỹ. Tuy nhiên, sau khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, cộng với việc Moskva và Bắc Kinh thúc đẩy phối hợp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng đô-la Mỹ, con số này đã giảm xuống 51% vào năm 2019.

Ông Alexey Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, cho rằng rằng việc "phi đô-la hoá” trong thương mại Nga-Trung đang tiến đến một "thời điểm đột phá" có thể nâng mối quan hệ giữa hai nước lên thành một liên minh tài chính.

Chú thích ảnh
Trung Quốc và Nga đã giảm gần một nửa việc sử dụng đồng đô-la Mỹ trong các giao dịch thương mại trong 5 năm qua. Ảnh: AP

Ông Maslov nói: “Sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tài chính cho chúng ta thấy rằng cuối cùng họ cũng đang tìm ra các thông số cho một liên minh mới với nhau. Nhiều người kỳ vọng sẽ là một liên minh quân sự hoặc một liên minh thương mại, nhưng hiện nay liên minh này đang di chuyển nhiều hơn theo hướng ngân hàng và tài chính, và đó là điều có thể đảm bảo sự độc lập cho cả hai nước".

Phi đô-la hóa đã trở thành một ưu tiên của Nga và Trung Quốc kể từ năm 2014, khi hai cường quốc láng giềng bắt đầu mở rộng hợp tác kinh tế trong bối cảnh Moskva bị phương Tây bao vây trừng phạt sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea. Khi đó, thay thế đồng đô-la Mỹ trong các giao dịch thương mại trở nên cần thiết hơn để tranh các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Nga.

Dmitry Dolgin, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng ING tại Nga, giải thích: “Bất kỳ giao dịch chuyển khoản nào diễn ra trên thế giới liên quan đến đô-la Mỹ đều được thanh toán qua một ngân hàng của Mỹ. Điều đó có nghĩa là chính phủ Mỹ có thể yêu cầu ngân hàng đó đóng băng các giao dịch nhất định”. 

Quá trình phi đô-la hoá của Nga và Trung Quốc đã có thêm động lực sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt thuế quan hàng trăm tỷ USD đánh vào hàng hóa Trung Quốc. Với việc trước đây Moskva đã đưa ra sáng kiến ​​về phi đô-la hoá, Bắc Kinh cũng coi đây là vấn đề rất quan trọng.

Ông Zhang Xin, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, nói: "Chỉ gần đây, nhà nước Trung Quốc và các thực thể kinh tế lớn mới bắt đầu cảm thấy họ có thể rơi vào tình trạng tương tự như các đối tác Nga: trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt và thậm chí có khả năng bị loại khỏi hệ thống SWIFT".

Năm 2014, Nga và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trong 3 năm trị giá 150 tỷ nhân dân tệ (24,5 tỷ USD). Thỏa thuận cho phép mỗi quốc gia tiếp cận với tiền tệ của nước kia mà không cần phải mua nó trên thị trường ngoại hối. Thỏa thuậnn này đã được gia hạn trong 3 năm, vào năm 2017.

Chú thích ảnh
Ngân hàng Trung ương Nga đã bán ra mạnh USD và mua vào nhân dân tệ. 

Một cột mốc quan trọng khác diễn ra trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 6/2019. Moskva và Bắc Kinh đã đạt được thỏa thuận thay thế đồng đô-la Mỹ bằng đồng nội tệ cho các giao dịch quốc tế giữa hai nước. Thoả thuận cũng kêu gọi hai bên phát triển các cơ chế thanh toán thay thế cho hệ thống SWIFT do Mỹ thống trị để tiến hành giao dịch thương mại bằng đồng ruble và nhân dân tệ.

Ngoài giao dịch bằng đồng nội tệ, Nga đã nhanh chóng tích lũy dự trữ nhân dân tệ trong khi bán ra USD. Vào đầu năm 2019, Ngân hàng trung ương Nga tiết lộ rằng họ đã cắt giảm 101 tỷ USD - tương đương hơn một nửa số USD có trong tay. Một trong những bên hưởng lợi lớn nhất từ ​​động thái này là đồng nhân dân tệ, đồng nội tệ của Trung Quốc đã chứng kiến ​​tỷ trọng dự trữ ngoại hối của Nga tăng từ 5% lên 15% sau khi Ngân hàng trung ương Nga đầu tư 44 tỷ USD vào đồng tiền Trung Quốc.

Kết quả của sự thay đổi này là Nga đã mua được 1/4 dự trữ nhân dân tệ của cả thế giới.

Đầu năm nay, Điện Kremlin đã cho phép một quỹ đầu tư quốc gia bắt đầu đầu tư vào đồng nhân dân tệ và trái phiếu nhà nước Trung Quốc.

Ông Maslov giải thích, việc Nga thúc đẩy tích lũy đồng nhân dân tệ không chỉ là nhằm đa dạng hóa dự trữ ngoại hối. Moskva còn muốn khuyến khích Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn trong việc thách thức vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Washington. 

“Nga có một vị trí quyết định hơn đáng kể tới Mỹ [so với Trung Quốc]. Nga quen chiến đấu, chứ không quen đàm phán. Một cách để Nga khiến cho quan điểm của Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn, sẵn sàng chiến đấu hơn là thể hiện rằng họ ủng hộ Bắc Kinh trong lĩnh vực tài chính", ông Maslov nói.

Chú thích ảnh

Tuy nhiên, loại bỏ đồng đô-la Mỹ sẽ không dễ dàng.

Jeffery Frankel, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard (Mỹ) nói rằng đồng USD có ba lợi thế chính: khả năng duy trì giá trị; quy mô tuyệt đối của nền kinh tế nội địa Mỹ và việc Mỹ có các thị trường tài chính sâu, linh hoạt và mở. Ông Frankel lập luận, cho đến nay, không có đồng tiền nào của các đối thủ cho thấy có khả năng vượt trội hơn đồng đô-la Mỹ trên cả ba giá trị này.

Tuy nhiên, chuyên gia Jeffery Frankel cũng cảnh báo rằng mặc dù vị thế của USD vẫn được bảo đảm cho đến thời điểm hiện tại, nhưng các khoản nợ ngày càng tăng và chính sách trừng phạt quá mạnh tay của Mỹ có thể làm xói mòn uy thế của đô-la Mỹ về lâu dài.

 “Các biện pháp trừng phạt là một công cụ rất mạnh mẽ với Mỹ, nhưng giống như bất kỳ công cụ nào khác, bạn sẽ đối mặt nguy cơ những người khác sẽ bắt đầu tìm kiếm các giải pháp thay thế nếu bạn lạm dụng chúng. Tôi nghĩ sẽ thật ngu ngốc nếu cho rằng đồng đô-la Mỹ sẽ mãi mãi không bị thách thức ở vị trí loại tiền tệ quốc tế số một”.

Thu Hằng/Báo Tin tức