09:06 24/09/2018

Nga-Trung có thể gần gũi hơn nhưng khó trở thành đồng minh truyền thống

Nga và Trung Quốc có thể chia sẻ nhiều lợi ích chung nhưng hai quốc gia này không có triển vọng trở thành đồng minh truyền thống.

Nga-Trung xích lại gần nhau

Quân đội Trung Quốc đã cử quân nhân và nhiều vũ khí góp mặt trong cuộc tập trận quy mô mang tên Vostok 2018 tổ chức từ ngày 11-15/9 tại vùng Trans-Baikal, Viễn Đông Nga. Cuộc tập trận Vostok 2018 diễn ra trong thời điểm Nga và Mỹ căng thẳng về nhiều vấn đề trong khi Bắc Kinh và Washington đang xảy ra chiến tranh thương mại.

Do vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận Vostok 2018 là dấu hiệu cho thấy Nga và Trung Quốc hình thành liên minh khi cùng có điểm chung là không vừa lòng Mỹ và phương Tây.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Putin bắt tay một quân nhân Trung Quốc khi ông tới theo dõi Vostok 2018. Ảnh: AFP

Tờ Newsweek đánh giá việc Nga căng thẳng ngoại giao với Mỹ và các đồng minh của Washington ở châu Âu càng thúc đẩy Moskva tiếp cận gần hơn với Bắc Kinh khi Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng về kinh tế, quân sự.

Trung Quốc trong khi đó lại nhìn nhận Nga như một đối tác triển vọng để hạ bớt áp lực từ Mỹ và đồng minh của Washington tại châu Á, đặc biệt là Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào đầu năm nay của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai quốc gia láng giềng dường như đã chính thức hóa mối quan hệ chiến lược. Điều này được thể hiện rõ trong tuyên bố chung của hai quốc gia: “Xây dựng hợp tác trong mọi lĩnh vực, đẩy mạnh hợp tác và liên lạc giữa hai lực lượng vũ trang, cải thiện cơ chế hợp tác quân sự hiện tại, mở rộng giao lưu trong huấn luyện và kỹ thuật quân sự, cùng chung tay trước các thách thức về an ninh khu vực và toàn cầu".

Quan hệ kinh tế Nga-Trung cũng thêm phần “nở rộ” khi thương mại song phương dự kiến vượt 100 tỷ USD trong năm 2018. Cả Nga và Trung Quốc đều kỳ vọng tăng gấp đôi con số này trong năm 2020.

Vẫn còn những nghi ngại

Trước những biểu hiện “thắm thiết” Nga-Trung, các nhà phân tích đánh giá trên thực tế hai quốc gia này vẫn âm ỉ khác biệt về dài hạn.

Trước hết là về lĩnh vực kinh tế. Nga vẫn âm thầm cẩn trọng với ý tưởng “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc ở Trung Á. Nga thể hiện ra bên ngoài là ủng hộ “Vành đai, Con đường”, ca ngợi đây là động cơ cho phát triển hạ tầng và thúc đẩy kết nối trong khu vực.

Chú thích ảnh
Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Washington Times

Tuy nhiên, sâu bên trong Nga lại quan ngại “Vành đai, Con đường” có thể khiến vị thế của Moskva trong khu vực bị lung lay. Bên cạnh đó, Nga cũng chú ý tới việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào vùng Viễn Đông và để mắt đến Bắc Cực – các địa điểm chiến lược của Nga hiện nay.

Vấn đề thứ hai liên quan tới Nhật Bản. Tổng thống Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dần “hâm nóng” mối quan hệ giữa hai quốc gia. Tuy vẫn tồn tại nhùng nhằng về vấn đề lãnh thổ liên quan tới quần đảo Kuril nhưng Nga và Nhật Bản vẫn có nhiều yếu tố cần thiết để tăng quan hệ. Đó là việc Nhật Bản muốn đối phó với Trung Quốc trong khi Nga lại đang đối đầu với Mỹ - đồng minh lâu đời của Tokyo.

Yếu tố cuối cùng lại chính là Mỹ. Trong khi căng thẳng giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc là vấn đề dài hạn để xử trí nhưng không có nghĩa là đã mất hoàn toàn khả năng biến chuyển. Chính cách tiếp cận của Mỹ với Nga và Trung Quốc cũng như việc xây dựng vai trò của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương là yếu tố then chốt có thể ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Trung Quốc.
 

Hà Linh/Báo Tin tức