07:13 24/07/2013

Ngát hoa đại ngàn

Nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước... tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc đã có chuyển biến đáng kể. Vùng Tây Bắc xuất hiện ngày một nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiều năm trở lại đây, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc đã có chuyển biến đáng kể. Vùng Tây Bắc xuất hiện ngày một nhiều tấm gương người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn vùng đã bình xét được 28.508 người có uy tín. Dù thuộc nhiều thành phần dân tộc, lứa tuổi, ở các cương vị công tác khác nhau..., nhưng họ đều là những bông hoa tiêu biểu, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng bản làng, quê hương, trở thành những tấm gương sáng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam.


Có thể thấy rằng, những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc thể hiện rõ trên các lĩnh vực: Tuyên truyền giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn dân cư; xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể; phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo; xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.


Những gương sáng trên lĩnh vực giữ gìn trật tự an toàn xã hội phải kể đến các ông: Mông Ngọc Hưởng dân tộc Nùng, Dương Văn Giờ dân tộc Tày ở huyện Lục Yên (Yên Bái); Đặng Văn Xiền, ở Yên Sơn, huyện Thanh Sơn (Phú Thọ); Sùng A Lử, Sùng A Dê, Sùng A Xa ở Mai Châu (Hòa Bình)… Họ đã góp công lớn trong việc tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; vận động con cháu, gia đình, dòng họ tích cực tham gia phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội. Đặc biệt là cụ Vừ Chông Pao 81 tuổi, Anh hùng LLVT, người đã kiên trì vận động nhân dân đấu tranh với các phần tử xấu lợi dụng đường biên giới để làm ăn phi pháp, góp phần xây dựng đường biên giới hữu nghị Việt - Lào...


Không thể không đề cập vai trò của người có uy tín trong xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể. Những đóng góp của họ thể hiện rõ qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Họ là cầu nối phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, Nhà nước đồng thời đóng góp thiết thực vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; xây dựng đời sống văn hóa mới, vận động các hộ gia đình hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi... Tiêu biểu là gương các ông Sùng A Lu huyện Mù Cang Chải (Yên Bái); Lầu Thanh Mai, Phạm Hồng Sơn, Thao Văn Dính, Mùa A Lo (Thanh Hóa)...

Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái đã có hàng ngàn hộ sản xuất kinh doanh giỏi, nhiều tấm gương sáng về mô hình phát triển kinh tế hộ, cho thu nhập bình quân mỗi năm từ trên 100 triệu đồng trở lên. Có nhiều tấm gương điển hình trong phong trào mở đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi, trường học, trong công tác tái định cư theo các dự án thủy điện…Khó có thể liệt kê hết những đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Nhưng có thể khẳng định, họ là những điểm tựa của những phong trào, là cây cao bóng cả của cộng đồng cư dân, là bông hoa đẹp của đại ngàn hùng vĩ; và rằng, họ sẽ tiếp tục nêu cao vai trò nòng cốt trên tất cả các mặt của đời sống xã hội…


Hội nghị biểu dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số lần này, một lần nữa thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Đây cũng là cơ hội giúp các ngành chức năng, các địa phương đánh giá lại việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín ở cơ sở; kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách nhằm phát huy cao nhất vai trò của người có uy tín trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Yến Nhi