01:12 23/01/2017

Ngành Y tế tiếp tục tập trung hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Bước vào năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục triển khai hàng loạt các giải pháp đồng bộ để bảo đảm phát triển hệ thống y tế Việt Nam hướng tới công bằng, hiệu quả và chất lượng bền vững.

"Ngành Y tế đề ra mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra; tiếp tục nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm…", PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết.


 Chất lượng khám, chữa bệnh tiến bộ rõ rệt


Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, năm 2016 đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Đó là chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện các tuyến đã có sự tiến bộ rõ rệt sau 3 năm áp dụng thí điểm Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Bộ tiêu chí này đến ngày 18/11/2016 đã trở thành công cụ đánh giá chính thức và cải tiến chất lượng cho toàn bộ các bệnh viện Việt Nam (theo Quyết định số 6858/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế). 


Lần đầu tiên tại Việt Nam, Bệnh viện Bình Dân (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Trước đó, năm 2013 Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em. Bên cạnh đó, năm 2016 ngành y tế đã vui mừng chào đón em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An là bệnh viện hạng I có 1.600 giường bệnh/45 khoa nhận chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trung ương, làm chủ nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh, trong đó 50% bệnh nhân có thẻ Bảo hiểm Y tế. Ảnh: Dương Ngọc/ TTXVN

Các cơ sở khám, chữa bệnh cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh là đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế; xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp. Bên cạnh việc tăng cường quản lý dịch vụ từ bên ngoài vào bệnh viện, toàn ngành đã đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống kháng thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh…


Bước sang giai đoạn 2, mô hình bệnh viện vệ tinh được mở ra 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với 98 bệnh viện vệ tinh nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 với 10 chuyên ngành là nội, ngoại – chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc. Nhờ hiệu quả của đề án bệnh viện vệ tinh mà một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh đã nuôi sống trẻ sơ sinh nặng 600 gam và nuôi dưỡng bé sơ sinh nhẹ cân 600 gram tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình….


Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, giảm bớt những khó khăn cho người bệnh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2020 là tiền đề cho việc công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám chữa bệnh.


Song song thực hiện nhiều giải pháp


Đối với công tác quản lý khám chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tiếp tục công tác xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra, theo dõi, giám sát thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người, giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ.

Thăm khám, làm xét nghiệm ban đầu cho bệnh nhân tới khám tại khoa khám bệnh. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Cục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong Đề án giảm quá tải Bệnh viện bao gồm Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án xây dựng thí điểm mô hình phòng khám bác sỹ gia đình, Đề án 1816; Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 20/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng bệnh viện.


Bên cạnh cập nhật bổ sung Bộ tiêu chuẩn tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện và xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng bệnh viện làm cơ sở để các bệnh viện tự đánh giá, tiến tới thực hiện đánh giá độc lập, làm tiêu chuẩn để xếp lại hạng bệnh viện, Cục xây dựng, triển khai các hoạt động liên quan tới sự cố y khoa, tai biến nghề nghiệp; chỉ đạo tăng cường chất lượng chuyên môn để khắc phục sự cố y khoa; triển khai các hoạt động nhằm nâng cao y đức, tinh thần thái độ chăm sóc người bệnh và tiếp tục công tác đào tạo quản lý bệnh viện.


Cục tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động dược bệnh viện: sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc; đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng thuốc và điều trị; hoạt động dược lâm sàng, thông tin, tư vấn về sử dụng thuốc; chấn chỉnh công tác kê đơn thuốc; tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng chống kháng thuốc…


 Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra


“Trong những ngày cuối năm 2016, khi đi kiểm tra một loạt các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã ghi nhận những đổi thay về chất lượng của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh như công tác giảm quá tải bệnh viện; Cải tiến chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; Đề án đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh; Công tác tổ chức cán bộ; Công tác tài chính; Công tác vệ sinh xanh, sạch, đẹp bệnh viện; Cơ sở hạ tầng và hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện…”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ.


Theo Bộ trưởng, lãnh đạo các bệnh viện đã rất nỗ lực. “Mỗi lần đi kiểm tra chúng tôi lại nhận thấy một sự thay đổi lớn, bệnh viện đã xanh sạch đẹp hơn trước, thực tế phỏng vấn khách quan được người bệnh đồng tình, người nhà bệnh nhân có ghế ngồi, trật tự hơn. Mọi sự nỗ lực của chúng ta đều phải tính bằng sự hài lòng của người bệnh” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.


Ngoài ra, Bộ Y tế cũng thành lập 5 đoàn kiểm tra đánh giá chất lượng các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; tập trung kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh của bệnh viện; đánh giá thực trạng chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, làm cơ sở xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện, xếp loại chất lượng hoạt động và dịch vụ khám, chữa bệnh của các bệnh viện. Theo báo cáo sơ bộ của các đoàn kiểm tra, các bệnh viện đã thực sự quan tâm và đánh giá thực chất, đi vào chiều sâu những ưu điểm, khó khăn của bệnh viện nhằm tìm ra những cải tiến ban đầu.


 Đổi mới toàn diện ngành y tế


Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và Chương trình hành động của Chính phủ, khi thực hiện cơ chế thị trường tự chủ với các dịch vụ công thì ngành y tế phải đi đầu trong đổi mới toàn diện cơ chế tài chính và thực hiện tự chủ gắn với bảo hiểm y tế toàn dân. Ngành y tế giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt với bệnh viện công. Do vậy, các bệnh viện cần thay đổi trong tư duy quản lý, điều hành bệnh viện; năng động, sáng tạo trong hoạt động cung cấp các dịch vụ trong bệnh viện nhằm thu hút đông bệnh nhân và tạo sự hài lòng đối với người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết.

Nhằm đổi mới hoạt động của y tế cơ sở, ngành y tế triển khai mạnh mô hình bác sĩ gia đình tại các khu vực thành thị. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN


Bên cạnh đó, nhằm đổi mới hoạt động của y tế cơ sở, ngành y tế triển khai mạnh mô hình bác sĩ gia đình tại các khu vực thành thị, triển khai theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng cá nhân tại các trạm y tế xã, quản lý các bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em… tại cộng đồng.


Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện theo tiêu chuẩn hội nhập và quốc tế, hình thành đơn vị đánh giá độc lập về chất lượng bệnh viện gồm nhiều tiêu chí: thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở hạ tầng, tiêu chí xanh-sạch-đẹp… và sẽ chấm điểm công khai. Theo đó, bệnh viện càng tốt, khung giá dịch vụ sẽ cao hơn dựa trên xếp hạng bệnh viện từ các chuyên gia đánh giá độc lập.

Bích Thủy (TTXVN)