12:15 24/12/2020

Ngành y tế chuyển đổi số, quan trọng nhất là thay đổi tác phong làm việc

Khó khăn nhất hiện nay với ngành y tế vẫn là sự thay đổi tác phong làm việc để phù hợp với chuyển đổi số khi nhiều nhân viên y tế vẫn đang quen làm việc theo phương pháp truyền thống bằng giấy tờ.

Chú thích ảnh
Bộ Y tế họp báo thông tin về Chương trình chuyển đổi số y tế Quốc gia 2020.

Tại buổi họp báo Chương trình chuyển đổi số y tế Quốc gia 2020, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) đánh giá: “Y tế- một trong những lĩnh vực đầu tiên thực hiện chuyển đổi số, đã đạt nhiều thành tựu trong thời quan qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung về ứng dụng công nghệ thông tin, bên cạnh sự quan tâm, ưu tiên của Chính phủ, ngành y tế còn gặp một số khó khăn như: Do đi đầu trong triển khai nên các thể chế, văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa đầy đủ để thực hiện, dù ngành y tế cũng đã rất cố gắng rất nhiều trong xây dựng các văn bản. Về tài chính, hiện phần lớn các cơ sở y tế chưa có sự đầu tư của  nhà nước rất ít nên phải tự túc kinh phí ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt muốn thúc đẩy các bệnh viện triển khai cần phải có cơ chế tài chính cụ thể như đưa giá thành ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên hiện vẫn chưa xây dựng được, chưa có quy định các cơ sở y tế phải dành bao nhiêu phần trăm cho công nghệ thông tin, vì vậy khó có thể bắt buộc được các bệnh viện thực hiện”.

Cũng theo PGS.TS Trần Quý Tường, khó khăn nhất hiện nay với ngành y tế vẫn là sự thay đổi tác phong làm việc để phù hợp với chuyển đổi số. Khi nhân viên y tế đang làm việc theo phương pháp truyền thống bằng giấy tờ khi chuyển sang công nghệ thông tin cần phải thay đổi thói quen làm việc. Hiện vẫn còn nhiều bác sĩ và nhân viên y tế chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ công thông.

Vì vậy, nếu muốn phát triển, ngành y tế cần phải tập trung truyền thông cho bệnh nhân về lợi ích của y tế số, đặc biệt những lợi ích liên quan đến thời gian và chi phí khi ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, để người dùng yên tâm khi sử dụng dịch vụ, các quy định về bảo vệ dữ liệu là một trong những vấn đề chính cần lưu tâm với những đơn vị đã ứng dụng y tế số. Đồng thời phải có phương pháp huy động toàn bộ công chức viên chức thực hiện.

Thời gian qua, ngành y tế đã triển khai một loạt chương trình, kế hoạch để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; thực tế các đơn vị đã dần thực hiện chuyển số từ lâu.

Ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như: Vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn... Nhờ đó, đã đạt được một số kết quả nổi bật như: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 1 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Bên cạnh đó, một số bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác bệnh nhân như ở: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. Việc kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã thực hiện tốt. Đến nay, đã có 99.5% các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước đã kết nối liên thông với hệ thống giám định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Đặc biệt, hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa đã đạt hơn 1.000 điểm cầu nhờ ứng dụng Telehealth…

Tin, ảnh: Tạ Nguyên/Báo Tin tức