02:12 27/02/2020

Ngành thủy sản và ngư dân nỗ lực gỡ 'thẻ vàng' IUU

Trong 2 năm qua, sau khi bị "thẻ vàng" IUU, ngành thủy sản và ngư dân đã nỗ lực để thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu. Hiện, chính quyền địa phương các tỉnh có hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển vẫn tiếp tục hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện tốt các tiêu chí về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Chú thích ảnh
Tàu chuẩn bị ra khơi tại cầu cảng Hòn Rớ (thành phố Nha Trang, Khánh Hòa). Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Sau những ngày bám biển dịp Tết Nguyên đán 2020, ngư dân Khánh Hòa đã thu được lợi nhuận kha khá từ việc thực hiện tốt tiêu chí chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp IUU, không vi phạm vùng biển nước ngoài, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng, giúp cho số lượng cá khai thác được thu mua với giá cao.

Dịp Tết Nguyên đán cũng là thời điểm cá ngừ đại dương bắt đầu vào vụ mới, các thuyền trưởng của đội tàu khai thác tỉnh Khánh Hòa đã không quên lời nhắc nhở của cơ quan chức năng, Chi cục thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đó là bám biển đánh bắt, nhưng không được vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Thùy Châu, thuyền trưởng tàu KH95258 TS chia sẻ, chi phí cho chuyến biển đánh bắt xa bờ của các tàu đánh bắt cá ngừ trên 100 triệu đồng. Vì vậy, các tàu phải quyết tâm đánh bắt với sản lượng ít nhất 1,2 tấn cá trở lên mới có lãi.

Đồng thời, vừa khai thác, nhưng cũng vừa chú ý vị trí tàu đang khai thác để tránh những vi phạm trong Luật Thủy sản. Bởi ông Châu cùng đội ngũ thuyền trưởng cũng đã ý thức rằng, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, hiện các chủ tàu, thuyền trường phải tuân thủ các quy định của pháp luật, Luật Thủy sản 2017 và quy định về chống khai thác IUU.

Tại tỉnh Sóc Trăng, các chủ tàu khai thác cá và thuyền trưởng cũng đã nhận thức được việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mang lại nhiều lợi ích hơn. Ông Phan Thanh Liêm, chủ 9 chiếc tàu cá ở kênh 3, thị trấn Trần Đề chia sẻ, ban đầu không hiểu được lợi ích của thiết bị giám sát hành trình nên ông Liêm đã “chần chừ” trong việc đầu tư thiết bị cho tàu.

Tuy nhiên, khi lắp đặt xong, tàu ra khơi vận hành, ông biết được tàu hoạt động tại vị trí nào, hiện rõ điểm đang đánh bắt, thông tin liên lạc thông suốt với tài công, ngư phủ về sản lượng, số loại hải sản thu được hằng ngày nên ông rất an tâm. Đặc biệt, với thiết bị này, ông và thuyền trưởng không để tàu vi phạm vùng đánh bắt tại vùng biển nước khác. Đến nay ông đã trang bị xong 7/9 tàu cá, còn 2 tàu sắp tới sẽ hoàn tất.

Song song với những nỗ lực của ngư dân khu vực phía Nam thực hiện đúng Luật Thủy sản 2017, tuân thủ các tiêu chí về chống khai thác IUU do Ủy ban châu Âu đưa ra, chính quyền địa phương tại đây cũng đã nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ cho ngư dân thực hiện tốt tiêu chí chống khai thác IUU, để tiến đến gần hơn việc được gỡ bỏ "thẻ vàng".

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục thủy sản Khánh Hòa, hiện nay các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu đang được tỉnh Khánh Hòa tiếp tục ủng hộ và hoàn thiện; trong đó, tỉnh đẩy mạnh lắp đặt thiết bị giám sát hành trì và giám sát khai thác của tàu cá trên biển. Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo Nghị định 42/2019/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Tính đến nay, tỉnh đã có 430 tàu lắp đặt thiết bị hành trình, theo đúng lộ trình. Dự kiến đến hết quý I/2020, toàn bộ tàu trên địa bàn sẽ sắp đặt thiết bị này đầy đủ theo quy định. Nhờ sự tuân thủ chặt chẽ quy định và Luật Thủy sản 2017 của các thuyền trưởng, chủ tàu cá vươn khơi, từ tháng 10/2018 đến nay, tỉnh Khánh Hòa không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tính đến tháng 2/2020, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai lắp thiết bị giám sát hành trình cho 189 tàu cá; 71 tàu đến hạn chưa lắp máy còn nằm bờ do ảnh hưởng thời tiết. Còn lại 106 tàu theo lộ trình lắp đặt đến ngày 1/4/2020.

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, để quá trình thực hiện tiêu chí của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng tiếp tục vận động các chủ tàu lắp đặt theo đúng quy trình đã quy định. Trong việc đánh dấu tàu cá, Chi cục thủy sản Sóc Trăng đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả số tàu có chiều dài 15 m trở lên.

Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 34 tàu cá đạt loại B. Tại các cảng cá, Chi cục thủy sản cũng kiểm tra thường xuyên các lô hàng cập cảng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chia sẻ, hiện nay qua kiểm tra quá trình thực hiện Luật Thủy sản 2017 của các tỉnh có biển khu vực phía Nam, các chủ tàu chấp hành tốt việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Các tàu được đánh dấu nhận diện rõ ràng, để thuận tiện trong việc theo dõi lắp đặt.

Cụ thể, tại Sóc Trăng, tàu được đánh dấu sơn ca-bin màu sáng (trắng, tàu dài trên 15 m) và tàu sơn ca-bin màu vàng đối với tàu dài dưới 15m. Tuy nhiên, còn một số tàu nằm bờ chưa ra khơi do điều kiện thời tiết xấu, sóng gió. Khi tàu ra khơi buộc phải tuân thủ theo quy định trang bị thiết bị đầy đủ.

Hồng Nhung (TTXVN)