06:10 11/06/2011

Ngành thủy sản “bứt phá” với Trung tâm chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt gần 5 tỷ USD, vượt con số 4,5 tỷ USD dự kiến. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng 10-15% so với năm 2010.

Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta đạt gần 5 tỷ USD, vượt con số 4,5 tỷ USD dự kiến. Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2011 tăng 10-15% so với năm 2010.

Xuất khẩu thủy sản tăng không “đồng hành” với việc tăng lợi nhuận, bởi lẽ có một thời gian dài ngành thủy sản chưa chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nuôi trồng, bên cạnh đó là chi phí đầu vào tăng cao. Với việc thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới, ngành thủy sản Việt Nam hi vọng có khả năng “bứt phá” để khẳng định vị thế trong nền kinh tế.

Từ chất lượng nguồn giống

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hiện nay chất lượng con giống của ngành đang rất thấp, nguồn giống kém đa đạng, gần đây có dấu hiệu suy thoái bởi chất lượng giống bố mẹ không đảm bảo. Chất lượng giống thủy sản suy thoái khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chi phí thức ăn tăng cao cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cho thấy, chất lượng nguồn giống ngành thủy sản chưa có sự phát triển do ngành chưa thực sự chú trọng đến việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để tạo ra nguồn giống mới có năng suất, chất lượng cao…

Chăm sóc cá tra vùng nuôi theo qui trình Global GAP của Công ty Nông sản Thực phẩm Trà Vinh (Tổng công ty Lương thực miền Nam) tại cồn Thủy Tiên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Để góp phần nâng cao chất lượng con giống cũng như sự đa dạng về nguồn giống, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương thành lập Trung tâm chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản nhằm chọn, tạo các giống thủy sản chất lượng tốt, năng suất cao, thích nghi với điều kiện từng vùng… đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành.

Ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Với lợi thế hơn 3.200 km bờ biển, Chính phủ đã phê duyệt đề án nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 với nội dung chính là từng bước hoàn thành hệ thống nghiên cứu, sản xuất, cung ứng giống thủy sản từ Trung ương đến địa phương để đến năm 2020 đảm bảo cung cấp 100% giống chủ lực có chất lượng cao, sạch bệnh, phục vụ nhu cầu nuôi, trồng.

TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, hiện nay ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu giống, chất lượng giống chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt, công tác lưu giống thuần, giống gốc là điều kiện quyết định trong nâng cao và duy trì chất lượng giống thủy sản. Trung tâm chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản ra đời sẽ khắc phục được khó khăn trên để ngành thủy sản “bứt phá” trong tương lai không xa.

Đến đầu tư sản xuất “sạch”

Để nâng cao chất lượng cũng như tăng sản lượng nhằm góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương xác định những sản phẩm chủ lực quốc gia để phát triển, kiên quyết chỉ đạo thực hiện theo quy hoạch. Bộ cũng yêu cầu ngành thủy sản không chú trọng phát triển bề nổi mà phát triển theo chiều sâu, tạo sản phẩm chất lượng “sạch”, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, năm 2011 sẽ là năm khởi đầu cho quá trình đẩy mạnh ứng dụng các quy trình công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế như: Viet GAP, Global GAP…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo chiến lược của ngành thủy sản, giai đoạn 2016 – 2020, sẽ đưa thủy sản trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, quản lý theo phương pháp chuỗi để tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo sản phẩm có thương hiệu, uy tín, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, với chỉ tiêu xuất khẩu 8 tỷ USD vào năm 2020, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được nếu quy hoạch được vùng nuôi, thực hiện tốt chuyển giao công nghệ, đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi, kiểm soát và ứng dụng giống mới, quản lý tiêu chuẩn về môi trường, điều tiết theo quy luật và làm tốt công tác dự báo. Bên cạnh đó, chú trọng mối liên kết chuỗi từ sản xuất - doanh nghiệp - xuất khẩu để nâng giá trị và khẳng định vị thế của ngành.

Mặt khác, các địa phương cũng phải thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi “sạch” để sản phẩm đạt các tiêu chuẩn quốc tế đồng nghĩa với việc tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

TS. Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thủy sản khẳng định: Khoa học công nghệ có vai trò quan trọng, mang tính quyết định để tăng giá trị gia tăng cho ngành. Do đó, việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chọn giống… để tăng sản lượng, tăng giá trị là việc làm mang tính cấp bách, đưa ngành thủy sản phát triển bền vững trong thời gian tới.

Hoàng Linh