08:07 06/08/2012

Ngành tài nguyên - môi trường phải là trụ cột cho phát triển bền vững

Ngày 5/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.

Ngày 5/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm.


Tham dự lễ kỷ niệm có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương.

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến dự và phát biểu tại buổi lễ.

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, 10 năm qua là một chặng đường xây dựng và trưởng thành liên tục của bộ và của ngành tài nguyên và môi trường. Đó cũng là những sự kế thừa, phát huy thành tích và truyền thống tốt đẹp của các thế hệ ngành tài nguyên và môi trường trong cả nước suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc và cả trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành tài nguyên và môi trường cần tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển nhanh và bền vững; đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.


Trong sự nghiệp vẻ vang này, ngành tài nguyên và môi trường được Đảng và Nhà nước xác định là ngành có vai trò rất quan trọng, ngành phải làm tốt nhiệm vụ để thực sự là ngành trụ cột của phát triển bền vững, trụ cột của việc khai thác tiềm năng và thế mạnh của đất nước cho sự phát triển.


Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường cần tích cực triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, chú trọng tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách về các lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ đã được ban hành trong thời gian qua, nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách mới, trước mắt là triển khai Luật Biển Việt Nam và Nghị quyết Trung ương 6 sắp tới về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Tiếp tục hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý nhà nước; rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách quản lý phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tiễn; xây dựng, trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của bộ, cả các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản và biển đảo…


Thủ tướng yêu cầu phải kết hợp thường xuyên hoạt động thanh tra, kiểm tra với tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường. Có chính sách khuyến khích, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân làm tốt, xử phạt nghiêm minh mọi hành vi vi phạm, bảo đảm trật tự, kỷ cương.


Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tạo sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế về lập trường nhất quán phù hợp với luật pháp quốc tế của chúng ta trong bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; thu hút và tiếp nhận các nguồn lực tài chính và công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho công tác điều tra cơ bản của ngành, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vì mục tiêu phát triển của đất nước cả trước mắt và lâu dài.


Thủ tướng lưu ý ngành tài nguyên và môi trường cần chú trọng phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm năng lực thực hiện nhiệm vụ ngày càng nặng nề, khó khăn và phức tạp, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong tình hình mới. Kiên quyết đấu tranh với tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong ngành tài nguyên và môi trường.


Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành tài nguyên và môi trường.


Cách đây vừa tròn 10 năm, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, lĩnh vực quản lý tổng hợp về tài nguyên môi trường của đất nước ta nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường được thành lập trên cơ sở hợp nhất các cơ quan quản lý nhà nước, các lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường của cả nước.


Trải qua 10 năm xây dựng và phát triển, tổ chức bộ máy của bộ, của ngành đã không ngừng được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương. Bộ đã chủ động nghiên cứu, đề xuất tham mưu với Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện có kết quả những chủ trương lớn trên các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường.


Về công tác xây dựng thể chế, bộ đã có nhiều cố gắng, huy động lực lượng, tập trung trí tuệ tham mưu trình Quốc hội và Chính phủ ban hành kịp thời và từng bước hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật trên 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành, nhất là sự ra đời của các Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Biển Việt Nam, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nước về tài nguyên và môi trường, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước. Nhiều bức xúc về khai thác, sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường đã từng bước được giải quyết, chất lượng môi trường được cả xã hội quan tâm và từng bước cải thiện, nhiều vụ việc khiếu kiện liên quan tới lĩnh vực đất đai được xử lý kịp thời; chủ quyền quốc gia về biển đảo được giữ vững.

 


Thiện Thuật