11:21 04/11/2015

Ngành sản xuất chế tạo toàn cầu tìm kiếm tăng trưởng

Những biện pháp kích thích tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và châu Âu vẫn chưa thể thúc đẩy mạnh mẽ đà tăng trưởng của các ngành sản xuất, trong khi lại làm dấy lên cuộc tranh cãi về mục tiêu các chương trình nới lỏng định lượng và gia tăng hoài nghi xung quanh khả năng Mỹ nâng lãi suất trong năm nay.


Theo kết quả một loạt cuộc khảo sát được tiến hành trong ngành sản xuất tại nhiều nước châu Âu và châu Á công bố hôm 2/11, tháng 10 vừa qua tiếp tục là một giai đoạn chứng kiến tăng trưởng khá ảm đạm. Nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu sụt giảm khiến ngành sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc kém sôi động hơn, trong khi các doanh nghiệp tại khu vực đồng euro phải không ngừng tìm cách hạ giá thành sản xuất để kích thích thương mại.

Ngành sản xuất chế tạo toàn cầu vẫn đang trong giai đoạn khó khăn.

Sau hơn nửa năm kể từ khi ECB bắt đầu bơm 60 tỷ euro tiền mặt mỗi tháng thông qua chương trình nới lỏng định lượng, các cuộc khảo sát về lĩnh vực sản xuất tại khu vực đồng euro đã đem lại những kết quả không mấy khả quan và thậm chí có những tin tức khiến các nhà hoạch định chính sách lo lắng. ECB cho tới nay vẫn chưa thể đạt mục tiêu lạm phát là dưới 2%. Các số liệu được công bố hôm 30/10 cho thấy giá thành sản phẩm không hề biến động so với tháng trước, và điều này càng gia tăng áp lực đòi hỏi ngân hàng có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Một cuộc thăm dò ý kiến của giới kinh tế học mà Reuters tiến hành trước khi ECB công bố số liệu về lạm phát cho thấy ECB nhiều khả năng sẽ nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ vào tháng 12 tới, theo đó, tăng hoặc kéo dài thời hạn gói kích thích kinh tế và cắt giảm lãi suất tiền gửi. Bắc Kinh cũng đang tiến hành một loạt các biện pháp hỗ trợ để ngăn tăng trưởng chững lại. Trong đó phải kể đến việc cắt giảm lãi suất 6 lần trong năm 2014, tuy nhiên những biện pháp này không đủ mạnh và cũng không đem lại hiệu quả nhanh chóng như những gì từng diễn ra trong quá khứ.

Trong cuộc họp hồi tháng 9/2015, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định không nâng lãi suất - vẫn được giữ ở mức gần bằng 0 suốt từ năm 2008 - theo như nhiều dự đoán trước đó, và để ngỏ khả năng này vào tháng 12 tới. Ông Kenningham nói: “Một trong những lý do khiến Fed không tăng lãi suất ngay trong cuộc họp hồi tháng 9 vừa qua là do các lo ngại về tình hình nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng có thể Fed sẽ chờ tới sang năm hoặc họ cũng có thể ra quyết định ngay vào tháng 12 tới”.

Theo một khảo sát chính thức được công bố hôm 1/11, ngành sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục chững lại trong tháng thứ 3 liên tiếp, trong khi các đơn hàng xuất khẩu cũng giảm đáng kể. Theo Caixin/Markit ngày 2/11, PMI của Trung Quốc đã bắt đầu tăng. Tuy nhiên, PMI tháng 10 chỉ đạt 48,3 điểm, cho thấy sản lượng ngành sản xuất chế tạo tại quốc gia này tiếp tục tăng trưởng âm trong 8 tháng liên tiếp. Ông Jian Chang thuộc Ngân hàng Barclays nói: “Nhìn chung, PMI không có nhiều biến động, phản ánh thực tế đà tăng trưởng tiếp tục yếu trong quý IV và chúng ta cần tiếp tục tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy một sự tăng trưởng ổn định trong tương lai gần”.

Các số liệu tại Nhật Bản và Anh được cho là khá khả quan. Chỉ số PMI Nikkei đã đạt 52,4 điểm và là mức cao nhất trong năm 2015, song nền kinh tế Nhật Bản vẫn đối mặt với nguy cơ suy thoái và các ngân hàng cho rằng nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ mở rộng chiến dịch mua tài sản trong thời gian tới.

Tại Anh, quốc gia không sử dụng đồng euro, sản lượng ngành sản xuất và chế tạo đã bất ngờ tăng mạnh nhất trong 16 tháng trở lại đây, nhờ sự gia tăng số lượng và khối lượng các đơn hàng xuất khẩu, song các nhà kinh tế vẫn tỏ ra khá thận trọng. Nhà kinh tế Samuel Tombs thuộc tổ chức Kinh tế Vĩ mô Pantheon, nhận định: “Chỉ dựa vào kết quả cuộc khảo sát tháng 10 của Markit/CIPS, chúng tôi vẫn chưa dám chắc ngành sản xuất và chế tạo tại Anh đã vượt qua giai đoạn suy thoái. Những con số này là chưa đủ”.

TTK