04:11 20/04/2018

Ngành Nông nghiệp đề xuất cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh

Trong nỗ lực chung của các cấp, các ngành nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất cắt giảm 131 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cắt giảm điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp sẽ tạo điều kiện và không gian phát triển cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Theo Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), có 33 ngành, nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và 345 điều kiện kinh doanh đang được rà soát, dự kiến sẽ cắt giảm, bãi bỏ hoặc đơn giản hoá.

Cụ thể, có 131/172 điều kiện kinh doanh về thú y, thức ăn chăn nuôi, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng, sản phẩm biến đổi gen... sẽ được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cũng như hàng loạt điều kiện kinh doanh khác trong Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp sẽ được nghiên cứu cắt giảm. Thậm chí, tới đây sẽ rà soát Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi cùng các Nghị định thực hiện 2 luật này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cắt giảm điều kiện kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sản xuất là hết sức cần thiết, không chỉ riêng trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó, sẽ tạo điều kiện và không gian phát triển cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư được thông thoáng và thuận lợi. Đây chính là yếu tố cần thiết để tăng cường thu hút đầu tư.

Chủ tịch Hiệp hội Thuốc bảo vệ thực vật Nguyễn Văn Sơn nhận định, hiện còn rất nhiều điều kiện kinh doanh trong ngành nông nghiệp bất hợp lý. Cụ thể trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật, quy định là nhà xưởng phải được bố trí trong khu công nghiệp. Thực tế cho thấy, có rất nhiều nhà máy được cấp phép xây dựng, tiêu tốn hàng chục, hàng trăm tỷ đồng và giờ phải di dời vào khu công nghiệp liệu có khả thi ? Điều này có thực sự cần thiết bởi ảnh hưởng tới sự sống còn của các doanh nghiệp.

Kể cả việc yêu cầu, chủ doanh nghiệp phải là người có bằng cấp về bảo vệ thực vật cũng là không cần thiết vì chỉ cần người bán hàng trực tiếp có trình độ là được. Nếu giữ những quy định trên là hoàn toàn không thực tế và khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, ông Sơn khẳng định.

Ông Trần Văn Thiên, đại diện Hiệp hội Sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam cho rằng, trên thực tế các điều kiện kinh doanh trong các Nghị định không phải là vấn đề lớn, nhưng chính các giấy phép con quy định trong các Thông tư hướng dẫn đang "trói chân" doanh nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần rà soát các văn bản dưới luật; đồng thời tham khảo cách làm của các bộ, ngành liên quan để tiếp tục cắt giảm, bãi bỏ những quy định mang tính “tự trói mình”, gây khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp, ông Thiên kiến nghị.

Theo nhận định của Tiến sĩ Trần Anh Quân, Viện máy và Dụng cụ Công nghiệp IMI, trong xu thế phát triển của công nghệ 4.0, việc ứng dụng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số sẽ được thuận lợi nhiều hơn nếu các doanh nghiệp được "cởi bỏ" nhiều điều kiện kinh doanh còn ràng buộc. Nếu giảm bớt chi phí vào những khâu, những yêu cầu bắt buộc mà nhiều khi không cần thiết, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hệ thống máy móc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Cùng với đó, tăng cường tự động hóa cũng là cách để giảm chi phí đầu vào trong nông nghiệp hay cắt giảm các điều kiện kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp.

Chia sẻ những trăn trở trong lĩnh vực kinh doanh nông sản sạch, anh Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty TNHH Sói Biển Trung Thực cho biết, trong 20 ngày qua, doanh nghiệp đã phải tiếp đến 7 đoàn thanh kiểm tra. Mặc dù đã thành lập thêm một bộ phận tiếp đón, nhưng nhiều khi cán bộ thanh tra lại yêu cầu đích thân Giám đốc phải có mặt trong các buổi làm việc.

Thạch Huê (TTXVN)