Sáng 8/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị với các địa phương sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì Hội nghị với sự tham dự của lãnh đạo Sở Nội vụ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Về nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long cho biết, Bộ sẽ triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương, kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là những nội dung mới liên quan đến quản lý tiền lương và tiền thưởng. Bộ cũng đôn đốc các địa phương hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong năm 2024 để ổn định, tổ chức Đại hội Đảng ở cơ sở năm 2025; hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện sắp xếp.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Nội vụ đã tập trung hoàn thiện hệ thống, thể chế chính sách trên lĩnh vực công vụ, công chức, lĩnh vực cải cách tiền lương, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước. Trong đó, các địa phương nỗ lực tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách cho lĩnh vực ngành Nội vụ, nhất là việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã cũng như cải cách nền hành chính.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, 6 tháng đầu năm 2024, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương hết sức cố gắng, quyết liệt, tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã và đến nay đang ở giai đoạn tăng tốc để về đích. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đến thời điểm này, nhiều địa phương đã thực hiện với tốc độ nhanh, kịp thời để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Cùng với đó, ngành đã tập trung cao cho việc tiếp tục sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là ở Trung ương và một số địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, gian nan, khó khăn nhất và cũng là một sự thành công ngoạn mục là Bộ Nội vụ đã tham mưu Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội về thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình từng bước hợp lý, thận trọng, bao trùm và hiệu quả. Đây là thắng lợi lớn của toàn ngành, niềm vui lớn của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tất cả đối tượng có liên quan.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, đến ngày 30/6, Bộ Nội vụ đã nhận được 28/53 hồ sơ đề nghị sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đã tổ chức thẩm định được 14 đề án và trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 5 đề án; còn 25 tỉnh, thành phố đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Đề án để gửi Bộ Nội vụ thẩm định theo quy định của pháp luật.
Sở Nội vụ các địa phương đã tích cực tham mưu UBND cấp tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực chính quyền địa phương. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, tiêu biểu như: Nam Định, Tuyên Quang, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Phú Yên, Tiền Giang, Hải Dương.
Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định Triệu Đức Hạnh cho biết, để tạo sự đồng thuận về chính sách đối với người dân trong thực hiện sắp xếp, tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp, các địa phương đã nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, bảo đảm sự đồng thuận, thống nhất của người dân. Cùng với đó, địa phương giữ ổn định hệ thống y tế, giáo dục cơ sở… để không ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân và việc di chuyển của học sinh, đảm bảo chất lượng dạy và học…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị, toàn ngành Nội vụ tập trung cao độ cho 2 nhiệm vụ lớn, đó là sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và cải cách tiền lương. Cùng với đó, ngành tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, giảm viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; quan tâm thực hiện đồng bộ, đẩy lùi tình trạng công chức né tránh trách nhiệm, gắn với Quy định 144-QĐ/TW, ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chỉ bàn làm, không bàn lùi”.