Ngày 28/5, Hội nghị Khoa học kỹ thuật toàn quốc lần thứ III và kết quả 10 năm nghiên cứu khoa học năng lượng và kỹ thuật nhiệt - lạnh (2012 - 2022) đã diễn ra tại Hà Nội. Vấn đề về bảo vệ môi trường và tương lai phát triển của ngành tiếp tục được đặt ra.
Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, 10 năm qua Hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam đã chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và Nhà nước. Những đề tài nghiên cứu khoa học nổi bật trong giai đoạn này như: Đốt than trộn giữa than antraxit nội địa khó cháy với than á bitum nhập khẩu; Vị trí nhà máy nhiệt điện đốt than trong sản xuất điện năng ở Việt Nam - Vấn đề bảo vệ môi trường; Đặc tính chất thải rắn từ lò hơi công nghiệp và lò hơi sản xuất điện - kiến nghị các giải pháp sử dụng tro xỉ...
Trên cơ sở những đề tài này đã giúp các đơn vị liên quan xây dựng quy hoạch phát triển điện; Đánh giá và các biện pháp xử lý tro xỉ của nhiệt điện... Đặc biệt là góp ý cho Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22:2009/BTNMT).
Tại Hội nghị các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề như: Phân ban năng lượng, phân ban nhiệt công nghiệp, phân ban lạnh và điều hoà không khí chủ đề “Lạnh xanh và sạch".... Làm rõ những vấn đề cốt lõi của sự phát triển ngành Nhiệt Việt Nam cũng như giải pháp về vấn đề môi trường để ngành hoạt động có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng thời áp dụng những công nghệ 4.0 thực hiện khai thác nhiên liệu cũng như bảo vệ môi trường.
PGS.TS Trương Duy Nghĩa cho biết: “Vấn đề về nhiệt điện than cần được cộng đồng hiểu đúng và đầy đủ sao cho việc sản xuất điện năng ở Việt Nam hiệu quả nhất, đáp ứng và đảm bảo an ninh cung cấp điện cho đất nước, bảo vệ tốt môi trường và sự phát triển bền vững".