02:12 21/02/2020

Ngành hàng không thế giới 'điêu đứng' vì dịch COVID-19

Các hãng hàng không trên thế giới đang tính toán thiệt hại, sau khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến hàng nghìn chuyến bay tới Trung Quốc bị hủy bỏ và một số hãng hàng không châu Á thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản nếu tình hình ngừng trệ hoạt động vẫn tiếp diễn.

Nhật báo Phố Wall ngày 20/2 cho biết, nhiều hãng hãng không phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp với hy vọng cắt lỗ do lượng hành khách giảm mạnh trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Máy bay của hãng Cathay Pacific. Ảnh: malaysiakini.com

Ở khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), hãng Cathay Pacific đã cho tất cả nhân viên nghỉ không lương ba tuần, còn hãng Hong Kong Airlines sa thải trên 400 nhân viên.

Asiana Airlines, hãng hàng không lớn thứ hai của Hàn Quốc, cũng đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương. Hiện nay, kể cả những chuyến không bay qua Trung Quốc cũng đã bị hủy.

Qantas Airways của Australia ngày 20/2 cho hay hãng đã cắt giảm chuyến bay tới Hong Kong và Singapore, đồng thời ngừng bay tới Trung Quốc đại lục ít nhất đến cuối tháng 5/2020, trong khi Thai Airways cũng cắt giảm số chuyến bay nối từ Bangkok tới Seoul và Singapore do vắng khách.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường hàng không lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ và là nơi quyết định sự tăng trưởng của hầu hết các hãng hàng không lớn trên thế giới. Các hãng đều mở đường bay thẳng đến Trung Quốc, có những hãng có tới vài chục chuyến bay như vậy mỗi tuần. Chẳng hạn, American Airlines thường có 28 chuyến bay trên tuyến Mỹ - Trung mỗi tuần. Nhưng chính vì lý do này mà các hãng càng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Khi dịch diễn biến ngày càng xấu đi, nhiều hãng, kể cả các hãng hàng đầu của Mỹ, đã phải ngừng các chuyến bay tới Trung Quốc từ tháng trước.

Một số hãng của Trung Quốc cũng là những tên tuổi nhưng đều buộc phải cắt giảm dịch vụ bay từ khoảng một tháng nay.

Với hàng triệu người Trung Quốc hiện bị cấm bay và rất nhiều người khác cũng tạm ngừng bay, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không gần như bằng không có khiến các hãng phải hủy hơn 25.000 chuyến mỗi tuần, theo tính toán của công ty dữ liệu hàng không OAG. Tổng cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết tính tới ngày 17/2, số lượng hành khách trung bình mỗi ngày giảm 91%.

Doanh thu của ngành hàng không có nguy cơ giảm 5 tỷ USD trong quý I/2020, theo đánh giá của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Tính đến ngày 14/2, các hãng hàng không của Trung Quốc đã phải bồi hoàn tiền vé cho khách hủy chuyến với số tiền lên tới 2,85 tỷ USD.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích của ngân hàng DBS Singapore, trong khi ba hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc là Air China, China Eastern Airlines và China Southern Airlines đều mạnh về tài chính, một số hãng nhỏ hơn phải vật lộn và khó trụ được lâu trước tình hình này.

Hồi đầu tháng này, Hong Kong Airlines cho biết sẽ sa thải ít nhất 400 nhân viên trong tổng số 3.500 nhân viên đồng thời đề nghị các nhân viên khác nghỉ không lương để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ngày 19/2, hãng này tuyên bố bỏ tất cả các dịch vụ trên chuyến bay để cắt giảm chi phí.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực châu Á rất dễ bị phá sản nếu tình hình như hiện nay kéo dài. Nok Air, hãng hàng không giá rẻ của Thái Lan hiện đang trong tình trạng khó khăn bởi 10 trong 19 điểm đến ở nước ngoài của hãng này là các thành phố ở Trung Quốc.

Asiana Airlines ngày 18/2 cho biết đã yêu cầu hàng nghìn nhân viên nghỉ không lương do hãng phải giảm hơn 70% chuyến bay tới Trung Quốc. Với khoản lỗ 562 triệu USD từ năm 2019, Asiana Airlines đang phải đối mặt với khoản lỗ lớn hơn nhiều trong năm nay, do tác động của dịch COVID-19.

Hải Vân (TTXVN)