10:13 06/10/2011

Ngành hàng không dân dụng Mỹ vật lộn qua cơn sóng khủng hoảng

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo công bố ngày 5/10 của Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) cho biết trong một thập kỷ qua kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001, ngành hàng không dân dụng Mỹ đã may mắn sống sót qua hàng loạt cuộc khủng hoảng.


Người dân Mỹ nói chung và du khách hàng không nói riêng lâu nay tự đặt câu hỏi vì sao trong lúc nền kinh tế Mỹ và thế giới tiếp tục chao đảo thì ngành hàng không dân dụng Mỹ dường như vẫn hoạt động nhộn nhịp, doanh thu hàng quý vẫn đạt hàng tỷ USD. Tuy nhiên, ít người thấu hiểu những khó khăn mà các hãng hàng không lớn của Mỹ đang phải vật lộn hàng ngày để giảm thiểu thua lỗ.

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo công bố ngày 5/10 của Bộ Giao thông vận tải Mỹ (DOT) cho biết trong một thập kỷ qua kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001, ngành hàng không dân dụng Mỹ đã may mắn sống sót qua hàng loạt cuộc khủng hoảng, từ nỗi lo khủng bố buộc phải tăng cường nhiều biện pháp an ninh từ sân bay tới các khoang hành lý, đến việc giá xăng dầu leo thang, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và mới đây nhất là nguy cơ chính phủ sẽ áp mức thuế cao hơn trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách liên bang. Trong 10 năm qua, ngành hàng không dân dụng Mỹ đã bị thua lỗ tổng cộng hơn 55 tỷ USD vì nhiều nguyên nhân.
Giá vé máy bay hai chiều trên các tuyến bay nội địa của Mỹ nếu năm 1995 ở mức trung bình 410,30 USD thì nay đã giảm 16%, chỉ còn ở mức trung bình 337,97 USD gồm cả 21,66 USD cước phí hành lý và lệ phí giữ chỗ. Nếu bỏ các khoản cước phí hành lý và lệ phí giữ chỗ thì giá vé ở thời điểm hiện tại đã giảm 21% so với năm 1995. Giá vé máy bay hiện chỉ chiếm 71% tổng nguồn thu của các hãng hàng không, so với mức 88% của năm 1990. Mặc dù doanh thu hàng năm vẫn tăng và đạt hàng chục tỷ USD, nhưng các hãng hàng không Mỹ vẫn không thể bù đắp được các khoản chi phí phát sinh, chưa nói tới chuyện luôn bị du khách than phiền về nhiều thứ lệ phí.

Giá xăng dầu là vấn đề lớn nhất, trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 243% so với mức giá năm 1995, buộc không ít hãng hàng không phải tính tới chuyện sáp nhập, giảm tần suất các chuyến bay hàng tuần hoặc cắt bỏ một số tuyến bay nội địa nhằm giảm chi tiêu. Cho dù đã áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu, nhưng hãng American Airlines trong quý vừa qua vẫn bị thua lỗ 296 triệu USD và nhiều khả năng vẫn tiếp tục bị thua lỗ trong năm nay và cả năm 2012.

Các hãng hàng không cũng đang đứng trước nguy cơ phải chịu mức thuế mới, cao hơn trong kế hoạch của Chính quyền Tổng thống Barắc Ôbama (Barack Obama) cắt giảm 1.500 tỷ USD thâm hụt ngân sách trong 10 năm tới. Giám đốc điều hành của hãng Delta Air Lines, ông Risớt Anđơxơn (Richard Anderson) trù tính trong năm 2011 này ngành hàng không dân dụng Mỹ sẽ phải nộp vào ngân quỹ quốc gia 17 tỷ USD tiền thuế và các khoản lệ phí liên bang so với chỉ có 3,7 tỷ USD trong năm 1993. Với 17 loại lệ phí liên bang khác nhau mà các hãng hàng không đang và sẽ phải trả, mỗi tấm vé của du khách sẽ phải cộng thêm trung bình 100 USD.
Lãnh đạo các hãng hàng không Mỹ hiện đang hợp sức vận động Quốc hội để tránh các khoản thuế mới. Họ cho rằng du khách đi máy bay phần đông là thuộc tầng lớp trung lưu, chứ không thuộc nhóm thiểu số những người giàu có như trong kế hoạch tăng thuế mà Nhà Trắng và Quốc hội đang thương thảo.

TTXVN/Tin Tức