10:17 08/10/2014

Ngành game trước áp lực bị đánh thuế đặc biệt

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế trò chơi điện tử trực tuyến (game online) 10%. Nhiều đơn vị sản xuất game online tỏ ra lo lắng trước những sản phẩm có nguy cơ phải “đóng” lại.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính đã nhanh chóng có văn bản tiếp thu, giải trình gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế trò chơi điện tử trực tuyến (game online) 10%. Nhiều đơn vị sản xuất game online tỏ ra lo lắng trước những sản phẩm có nguy cơ phải “đóng” lại.

 

“Lận đận” ngành game

 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết 8/2014, có 126 trò chơi được cấp phép phát hành tại Việt Nam, trong đó đã ngừng 60 trò chơi, còn lại là 66 trò chơi đang hoạt động.

 

7554 game một trong những game thuần Việt đầu tiên đã phải đóng cửa.

 

Đáng chú ý, trong 90% số lượng game online phát hành có giấy phép và đem lại doanh thu cho ngành là game được sản xuất tại nước ngoài rồi nhập khẩu hợp pháp về Việt Nam, được Việt hóa. Phần lớn, các trò chơi được nhập khẩu hợp pháp, có bản quyền phát hành, đến từ các nước có nền công nghiệp trò chơi trực tuyến phát triển lâu đời, là Hàn Quốc, Trung Quốc..

 

Theo các nhà phát hành game, để có một game online nhập khẩu nước ngoài được phát hành tại Việt Nam, các đơn vị sẽ phải nộp một khoản tiền cố định, gọi là Licensce Fee ( tạm dịch là phí bản quyền), bên cạnh đó là 20% đến 30% lợi nhuận trong quá trình hoạt động. Chính vì vậy, một số doanh nghiệp Việt Nam đã xây dựng game thuần Việt nhằm giảm bớt chi phí trên. Tiên phong là Thuận Thiên Kiếm (nội dung về lịch sử của Đất nước, thuộc Công ty cổ phần VNG) được phát hành năm 2009. Năm 2011, một số game giáo dục giải trí như Chinh phục vũ môn (Công ty Egame), game 7554 ( Công ty Emobi Studio) ra đời.

 

Tuy nhiên, đến nay các sản phẩm thuần Việt nói trên đã ngừng cung cấp dịch vụ, vì không có người chơi (theo thói quen sử dụng sản phẩm nước ngoài) dẫn đến không có doanh thu, lợi nhuận… Vì vậy, hiện nay hầu như không còn công ty tự sản xuất game online trong nước.

 

Nhưng trước tốc độ phát triển quá nhanh của thị trường Internet Việt Nam, có đến một nửa thị phần game online tại Việt Nam là thuộc các sản phẩm trò chơi do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới (không có trụ sở tại Việt Nam, hoặc có trụ sở dưới hình thức một doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam, đứng đằng sau là nước ngoài), không nằm trong sự thống kê chính thức của Cơ quan quản lý. Các game này, hiện nay, đã cuốn hút người chơi Việt Nam.

 

Đánh thuế đặc biệt vì khó kiểm soát

 

Do khó kiểm soát về game online, nhiều game lậu ngày càng phát triển và đi ngược với thuần phong mỹ tục, ý thức chính trị. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế trò chơi điện tử trực tuyến (game online) 10%.

 

Theo nhiều nhà phát hành game, trước đây doanh nghiệp vừa phải đối phó với game lậu, trả các loại phí để phát hành game, nay thêm việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thực sự đã gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp, có nguy cơ phải ngừng hoạt động.

 

Thực tế trong nhiều năm qua, doanh thu từ ngành game không tăng mà liên tục giảm. Cụ thể, năm 2011 là hơn 6.000 tỷ đồng; năm 2012 là hơn 5.000 tỷ đồng, năm 2013 là khoảng 4.800 tỷ đồng; 6 tháng 2014 là khoảng 1.845 tỷ đồng. Nếu các nhiều game ngừng hoạt động, đồng nghĩa nhiều lao động cũng phải thất nghiệp. Theo điều tra thị trường từ các doanh nghiệp game thì từ 2013 đến tháng 6/2014, lao động trực tiếp làm việc trong ngành game là khoảng 8.000, lao động gián tiếp là khoảng 10.000.

 

Nhiều nhà phát hành game cho rằng, Chính phủ cần xem ngành game như một ngành công nghiệp để thúc đẩy sự phát triển của nền công nghệ thông tin. Bởi trên nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ,... ngành công nghiệp game online là một trong những ngành đầu tàu. Chính phủ các quốc gia này luôn chú trọng đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi để tạo thuận lợi cho công nghiệp game online phát triển một cách nhanh chóng và bền vững nhất, chẳng hạn như: hỗ trợ về vốn, tập trung xây dựng các trường Đại học, học viện để đào tạo nguồn nhân lực sản xuất game online, bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước trước sự ảnh hưởng, cạnh tranh của các doanh nghiệp game nước ngoài,… Vì thế, game online không không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

 

Tại Việt Nam, ngành game online chưa kịp phát triển lại bị “bóp chết” vì nhiều loại thuế, nay thêm thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trò chơi trực tuyến hợp pháp, buộc phải đẩy phí sử dụng lên để đảm bảo bao gồm các loại thuế nộp Ngân sách Nhà nước, và người dùng, người chơi game online sẽ là người chịu cuối cùng.

 

Đại diện một ngành game tại TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, mục đích “định hướng tiêu dùng” sẽ không thực hiện được. Vì với đặc thù của sản phẩm này, Nhà nước sẽ không có công cụ để thu thuế đối với game của nước ngoài. Nguyên nhân sự phát triển của các phương tiện thanh toán như thẻ tín dụng thông qua ngân hàng, dòng tiền sẽ chảy trực tiếp về các doanh nghiệp nước ngoài không đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, sẽ tạo sự không công bằng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất game.

 

Như vậy, việc áp dụng thuế đặc biệt vô tình là con dao 2 lưỡi vì vừa đội chi phí cho người tiêu dùng, đồng thời sẽ giảm nguồn thu thuế cho Ngân sách Nhà nước khi game chính thống ngày càng ít người chơi. Hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang phải đóng 44% thuế các loại: thuế VAT (10%), thuế thu nhập doanh nghiệp (22%) và thuế nhà thầu (10%).

 

H.Y