02:18 16/02/2017

Ngành dược và dệt may Việt Nam có cơ hội bứt phá khi EVFTA có hiệu lực

Ngành dược và dệt may là hai ngành công nghiệp của Việt Nam có nhiều cơ hội bứt phá khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (dự kiến vào năm 2018).

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Những tác động của EVFTA tới vị thế của Việt Nam trong khu vực ASEAN” do Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) phối hợp với mạng lưới doanh nghiệp EU - Việt Nam (EVBN) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 16/2.

Ông Francisco Fontan, Đại sứ EU tại ASEAN cho biết, Việt Nam là nước thứ 2 trong khối ASEAN (sau Singapore) đàm phán thành công Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Điều này cho thấy Việt Nam có chính sách kinh tế cởi mở và tốc độ hội nhập kinh tế quốc tế cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Dệt may có lợi thế xuất khẩu khi Việt Nam tham gian EVFTA. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN

Nhờ lợi thế đi trước, EVFTA sẽ tạo ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Cụ thể, EVFTA là nền tảng pháp lý quan trọng giúp Việt Nam dễ dàng tiếp cận và thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp EU, đặc biệt là trong ngành dược. Bên cạnh đó, các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, giày da cũng có nhiều cơ hội vào thị trường EU hơn.

Về cơ hội phát triển của ngành dược Việt Nam sau năm 2018, ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban dược phẩm EuroCharm cho biết, các doanh nghiệp châu Âu đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, thay vì chỉ đặt văn phòng đại diện như trước đây.

Theo phân tích của ông Bradley Silcox, Việt Nam đã ban hành Luật Dược với cơ chế cởi mở hơn, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các loại dược phẩm chất lượng cao. Trong thời gian tới, nhu cầu sử dụng các dược phẩm điều trị bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, ung thư…trong khu vực có xu hướng tăng cao.

Sự kết hợp giữa lợi thế về công nghệ sản xuất cũng như các nghiên cứu ứng dụng của doanh nghiệp EU với thị trường tiêu thụ rộng lớn trong khu vực có thể giúp Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược của ASEAN trong thời gian tới.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng hết lợi thế mà EVFTA mang lại, Việt Nam cần có chính sách thu hút đầu tư cụ thể cũng như rút ngắn lộ trình tiếp cận cho doanh nghiệp nước ngoài đối với ngành dược. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tập trung phát triển hệ thống phân phối dược phẩm trong thị trường nội địa và làm cầu nối cho các nước khác trong khu vực ASEAN.

Về cơ hội của ngành dệt may và giày da Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn giữ ưu thế về nguồn lao động dồi dào, chi phí sản xuất thấp so với các quốc gia lân cận. Mặt khác, sản phẩm may mặc, giày da của Việt Nam đã phần nào khẳng định được thương hiệu tại thị trường EU.

Theo ông Bill Watson, Tổng giám đốc Tập đoàn Coats, trao đổi hàng hóa trong ngành dệt may, giày da những năm qua chủ yếu theo chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Vì vậy, khi những hàng rào về thuế quan được tháo gỡ theo lộ trình, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và giày da Việt Nam được dự đoán sẽ tăng lên đáng kể, trong đó giày thể thao sẽ là sản phẩm được hưởng lợi nhiều nhất.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề lớn nhất của dệt may Việt Nam hiện nay là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất. Ngoài ra, dây chuyền, máy móc cũ kỹ với công suất thấp cũng là yếu tố cần được cải thiện để ngành dệt may, giày da Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

Ước tính, kim ngạch thương mại Việt Nam - EU đã tăng gấp 10 mười lần trong vòng 15 năm trở lại đây (từ 4,1 tỷ USD lên 41,4 tỷ USD), trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU hiện chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và toàn châu Âu.

Xuân Anh (TTXVN)