12:08 31/12/2021

Ngành Du lịch Vĩnh Long vượt khó trong tình hình mới

Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu nhấn mạnh, điều tiên quyết trong phục hồi du lịch hiện nay là "mở cửa phải gắn với an toàn, an toàn mới mở cửa".

Năm 2021, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long tiếp tục đối mặt khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Sau thời gian dài phải ngưng đón khách để thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn bị mất nguồn thu. Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh tình hình mới, một số cơ sở đã có bước khởi động trở lại, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón du khách đến tham quan trên tinh thần đảm bảo an toàn với dịch COVID-19. 

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn xác định, trong giai đoạn phục hồi này, khách hàng nội địa là đối tượng chính, đồng thời hướng đến việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới, cải thiện sản phẩm hiện có phù hợp với nhu cầu của du khách, thích ứng trong điều kiện bình thường mới.

Chú thích ảnh
Khu sinh thái và khu trò chơi trải nghiệm tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng homestay Hoàng Hảo, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: baovinhlong.com.vn

Du lịch lao đao vì đại dịch

Với sự bùng phát mạnh mẽ của dịch COVID-19 trong năm 2021, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phải đối mặt nhiều khó khăn. Ước tổng lượt khách năm 2021 đạt 397.000 lượt, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó lượng khách đến du lịch chủ yếu tập trung trong 6 tháng đầu năm với hơn 360.000 lượt. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, một số cơ sở, kinh doanh dịch vụ du lịch phải ngưng hoạt động hoàn toàn, số còn lại nỗ lực cầm cự, chuyển hướng kinh doanh để giữ chân người lao động, duy trì chờ thời cơ phục hồi trở lại.

Anh Lê Hồng Phú, chủ cơ sở du lịch Phương Thảo Homestay (xã An Bình, huyện Long Hồ) cho biết, gần 2 năm qua, trong đó cao điểm là hơn 6 tháng cuối năm 2021, cơ sở hoàn toàn bị "tê liệt" không thể đón khách, để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Khách du lịch không có, trong khi cơ sở vật chất phải bảo trì thường xuyên, lực lượng lao động cũng rơi vào cảnh mất việc. Với hy vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát, ngành Du lịch từng bước phục hồi, anh thường xuyên chăm sóc cảnh quan, duy tu sửa chữa những nơi hư hỏng, theo dõi tình hình để sẵn sàng đón khách khi đủ điều kiện an toàn.

Cơ sở Mekong Riverside Homestay (xã An Bình, huyện Long Hồ) phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh, hầu hết nhân công tại cơ sở đều tạm nghỉ việc. Anh Nguyễn Ngọc Sang, chủ cơ sở và cùng vợ phải thường xuyên chăm sóc vườn cây, duy tu bảo quản khuôn viên homestay để giữ cảnh quan, hạn chế hư hại phải tái đầu tư.

Trước những ảnh hưởng của dịch COVID-19, anh Nguyễn Ngọc Sang chọn chuyển hướng từ việc kinh doanh du lịch sang kinh doanh sản phẩm đặc sản du lịch đã từng khai thác, gắn kết với các hoạt động du lịch sinh thái như trái cây, rau vườn, tôm cá đánh bắt từ ghe cào… Nhờ tận dụng hiệu quả các đầu mối khách du lịch quen thuộc đã từng trải nghiệm sản phẩm, cùng với quảng bá trên các trang mạng, cơ sở đã thu hút một lượng khách ổn định tiêu thụ các sản phẩm đặc sản, đem lại nguồn thu nhập tạm thời trong thời gian chờ ngành phục hồi.

Chủ cơ sở Mekong Riverside Homestay Nguyễn Ngọc Sang cho biết: "Cơ sở có một địa thế đắc địa là nằm ngay đoạn sông có nhiều loại cá, hướng ra làng bè, trước đây đã triển khai các dịch vụ giăng lưới, câu cá trên sông rồi tự chế biến thức ăn, nhiều khách rất thích thú. Tận dụng lợi thế này, trong thời gian tạm ngưng việc kinh doanh du lịch, tôi liên kết giới thiệu các sản phẩm cá sông, tôm sông mà khách từng thưởng thức, kết hợp thêm các loại trái cây vườn… để tiêu thụ. Nhờ đó mà có thêm thu nhập, đồng thời quảng bá được những đặc sản gắn với các chương trình, sản phẩm du lịch đặc trưng của cơ sở mình".

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu, đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng lớn đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Tỉnh đã nỗ lực giải quyết các chế độ, chính sách để hỗ trợ người lao động trong ngành gặp khó khăn do dịch bệnh. Trong bối cảnh ngành Du lịch đang chuẩn bị các điều kiện để đón khách trở lại, ngành cũng đối thoại với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch để tìm hiểu những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng, qua đó lắng nghe cơ sở hiến kế để phục hồi trong trạng thái bình thường mới. Qua trao đổi, đa số các doanh nghiệp sẵn sàng khởi động lại các hoạt động du lịch, tuy nhiên gánh nặng hiện nay là thiếu kinh phí đầu tư phục hồi, thiếu nguồn nhân lực phục vụ du khách. Vì thế, Sở đang tích cực tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét những chính sách phù hợp để hỗ trợ phục hồi du lịch, phối hợp các sở, ngành đẩy nhanh thực hiện chế độ chính sách, đồng thời tích cực hướng dẫn doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để hoạt động hiệu quả, đảm bảo thu hút khách nhưng vẫn an toàn trong tình hình dịch COVID-19.

Linh hoạt phục hồi trong tình hình mới

Để việc phục hồi du lịch gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành kế hoạch phục hồi hoạt động ngành Du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19 giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. Kế hoạch xác định lộ trình, giải pháp từng bước phục hồi hoạt động du lịch tỉnh Vĩnh Long thông qua ba giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, từ tháng 11/2021 đến ngày 31/12/2021, tỉnh tập trung khôi phục hoạt động du lịch nội vùng đối với địa bàn vùng xanh (cấp độ 1), vùng vàng (cấp độ 2). Giai đoạn 2, từ ngày 31/12/2021 đến ngày 30/4/2022, tỉnh sẽ mở hoạt động du lịch nội vùng và liên tỉnh theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương. Giai đoạn 3, từ ngày 1/5/2022 đến ngày 31/12/2022, dự kiến tỉnh mở hoạt động du lịch nội vùng, liên tỉnh và quốc tế theo tiến trình kiểm soát dịch bệnh của các địa phương, quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long tập trung kiểm tra, thẩm định điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Thông qua thẩm định, lực lượng chức năng đã hướng dẫn các cơ sở xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch và phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo đúng quy định, sẵn sàng cho việc mở cửa đón khách trở lại sau thời gian dài "ngủ đông".

Chị Đỗ Nguyễn Hương Giang, Trưởng Phòng Du lịch, Công ty Cổ phần du lịch Cửu Long cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin về kế hoạch phục hồi du lịch của địa phương, doanh nghiệp đã xây dựng phương án duy tu, sửa chữa cơ sở vật chất và phương án phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Để thích ứng với điều kiện bình thường mới, doanh nghiệp xác định việc tổ chức các tour khép kín là giải pháp phù hợp với tình hình, đảm bảo an toàn trong dịch bệnh.

Cùng với đó, tại doanh nghiệp, tất cả nhân sự trở lại làm việc đều đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, quá trình đón tiếp khách luôn đảm bảo các quy trình quét mã QR, khai báo y tế, tuân thủ nguyên tắc 5K. Ngoài ra, đơn vị cũng chủ động bố trí các phòng nghị riêng biệt, thoáng mát, chuẩn bị sẵn phòng riêng theo hướng dẫn của ngành Y tế để có thể cách ly, xử lý tình huống khi có ca mắc COVID-19 trong quá trình hoạt động.

Trước những khó khăn trong quá trình phục hồi hoạt động ngành Du lịch giữa dịch bệnh, hầu hết các cơ sở, kinh doanh dịch vụ du lịch đã có sự thay đổi trong việc xác định đối tượng du khách tiềm năng đó là tập trung vào du khách nội địa. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở du lịch cũng quan tâm xây dựng các sản phẩm mới phù hợp với đặc điểm tình hình dịch tại địa phương và nhu cầu của khách du lịch tiềm năng.

Trưởng Phòng Quản lý Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long) Nguyễn Trọng Tín cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 45 cơ sở đã được phê duyệt kế hoạch điều kiện hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Một số cơ sở đã sẵn sàng đón khách, hoạt động dịch vụ lưu trú cũng đã khởi động lại với gần 1.500 lượt khách lưu trú tại các cơ sở. "Các cơ sở đã có sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc cho kế hoạch phục hồi du lịch lần này. Hy vọng sau khi tình hình dịch ổn định, các cơ sở sẽ dần phục hồi và có sự chỉnh trang, tập trung xây dựng những sản phẩm mới, cải thiện sản phẩm hiện có để tạo tính mới, thu hút du khách. Ngành khuyến khích các cơ sở đi sâu vào những sản phẩm mang tính chất đặc trưng của tỉnh để có những kênh quảng bá phù hợp, giúp du khách cảm nhận được du lịch Vĩnh Long là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn".

Theo chủ cơ sở Út Trinh Homestay Phạm Thị Ngọc Trinh (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ), từ đầu tháng 12 đến nay, sau khi được cơ quan chuyên môn phê duyệt đủ điều kiện đón khách, cơ sở đã đón được một số đoàn khách đến trải nghiệm, trong đó chủ yếu là các nhóm nhỏ từ 5-10 người. Dự kiến, từ nay đến hết Tết Dương lịch 2022, tại cơ sở sẽ liên tục đón khách. Việc đón khách sẽ thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch như khách đến phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đến cơ sở phải khai báo y tế, đồng thời cơ sở bố trí đảm bảo phục vụ không quá 50% công suất hoạt động...

Chị Phạm Thị Ngọc Trinh chia sẻ: "Hiện nay, nhu cầu của khách thay đổi nhiều, đa số khách hàng đi theo nhóm nhỏ và việc tham quan, trải nghiệm cũng không thể di chuyển tự do như thời điểm trước. Trước những thay đổi này, cơ sở chọn giải pháp linh động hơn là không bán chương trình cố định mà xây dựng, giới thiệu nhiều chương trình đến với khách, qua đó khách có sự lựa chọn chương trình ưng ý nhất để trải nghiệm. Có thể du khách tham quan vườn, tát ao bắt cá, nghe đờn ca tài tử, tham gia teambuilding… Tùy vào nhu cầu của khách, cơ sở sẽ có những chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp để đáp ứng, tạo ấn tượng với du khách".

Trong giai đoạn dịch bệnh còn phức tạp như hiện nay, việc mở cửa du lịch là cần thiết góp phần phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, cần phải thận trọng. Tỉnh Vĩnh Long xác định, thị trường du lịch nội địa giữ vai trò chủ lực trong giai đoạn này. Theo đó, tỉnh tập trung xây dựng nguồn nhân lực, điểm đến và dịch vụ du lịch an toàn, về lâu dài sẽ chủ động kết nối các tỉnh, thành phố để phát triển tuyến, điểm du lịch an toàn liên vùng. Tỉnh phấn đấu trong năm 2022, lượng khách và doanh thu dần phục hồi, trong đó tổng lượng khách tăng 10% so với năm 2021.

Giám đốc Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu nhấn mạnh, điều tiên quyết trong phục hồi du lịch hiện nay là "mở cửa phải gắn với an toàn, an toàn mới mở cửa". Các cơ sở kinh doanh du lịch khi hoạt động lại phải nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh tại cơ sở để có phương án xử trí kịp thời, phục vụ du khách chu đáo, an toàn.

Song song đó, ngành Du lịch tỉnh Vĩnh Long xác định việc phục hồi du lịch trong tình hình mới phải linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương và nhu cầu du khách. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thể mãi duy trì những sản phẩm du lịch đã cũ, mà mỗi cơ sở cần linh hoạt, sáng tạo những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và phù hợp hơn. Cụ thể, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, hình thức du lịch của khách chủ yếu đi theo đoàn nhỏ và đi thành tour khép kín, do đó sau khi tỉnh đã thẩm định được các điểm đến an toàn rồi sẽ tăng cường quảng bá, giới thiệu cho du khách lựa chọn, đảm bảo khép kín và đảm bảo an toàn cho khách. Cơ sở du lịch phải nắm bắt được những thay đổi này để xây dựng những chương trình, sản phẩm du lịch phù hợp, vừa hấp dẫn du khách vừa đảm bảo an toàn. 

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi mạnh mẽ hình thức xúc tiến du lịch của cơ sở kinh doanh để thích ứng với tình hình mới. Để chuẩn bị chu đáo cho việc đón khách trở lại, ngành Du lịch chuyển từ quảng bá trực tiếp tại các sự kiện chuyên ngành sang quảng bá, xúc tiến trên các kênh truyền thông, các trang mạng xã hội (youtube, fanpage, zalo. . .), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến du lịch, tuyên truyền về điểm đến an toàn cho du khách. Ngành phát động cuộc thi sáng tác video clip quảng bá du lịch tỉnh thông qua những hình ảnh, tư liệu do chính cơ sở du lịch thực hiện nhằm giới thiệu những nét đặc trưng nhất của cơ sở, tạo ấn tượng gần gũi và hấp dẫn đối với du khách.

Lê Thúy Hằng (TTXVN)