01:09 20/01/2021

Ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế thay đổi mạnh mẽ để thích nghi trong bối cảnh mới

Năm 2021, ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nhằm thích ứng và từng bước lấy lại đà tăng trưởng trong bối cảnh được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Khách du lịch tham quan Đại Nội Huế. 

Mở đầu năm 2021, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức khánh thành dự án tu bổ, tôn tạo cửa Ngọ Môn, công trình biểu tượng của mảnh đất Cố đô và tổ chức phục dựng Lễ Ban sóc thu hút nhiều du khách tham gia. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, thời gian tới, đơn vị sẽ nghiên cứu, phục dựng dưới dạng sân khấu hóa nhiều nghi thức của triều Nguyễn tại Ngọ Môn như một cách để làm mới, hấp dẫn du khách khi đến thăm quan Quần thể di tích Cố đô Huế.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Võ Lê Nhật cho biết, Trong năm 2021, đơn vị tăng cường công tác quảng bá, tổ chức triển lãm và diễn xướng, đảm bảo mỗi tháng đều có sự kiện văn hóa nhằm thu hút khách tham quan. Khu vực Đại Nội hàng ngày sẽ có bốn suất diễn miễn phí phục vụ du khách tại Nhà hát Cung đình Duyệt Thị Đường. Đơn vị sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Huế xây dựng hình thành nên các tuyến phố đi bộ xung quanh khu vực Đại Nội để mở rộng không gian trải nghiệm, phát triển các loại hình dịch vụ để giữ chân du khách lưu trú ở Huế lâu hơn.

Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức nhiều chương trình đặc sắc như: tái hiện lễ Thiết Triều, khai mạc triển lãm “200 năm Ngày vua Minh Mạng lên ngôi”, lễ dựng Nêu, triển lãm “Thơ Xuân trên kiến trúc cung đình Huế”, chương trình “Hương xưa bánh Tết”, lễ Khai ấn đầu Xuân, biểu diễn các trò chơi cung đình và trình diễn thư pháp…Đặc biệt, từ ngày Mùng 1-3 Tết Nguyên đán, Quần thể di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa tham quan miễn phí đối với du khách là người Việt Nam.

Cố đô Huế nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến hội tụ của nhiều loại hình di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc, đặc biệt hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19, đối tượng phục vụ chính là thị trường khách du lịch nội địa, đòi hỏi sự thay đổi, làm mới cách thức khai thác những giá trị di sản trở lên cấp thiết. Bên cạnh chính sách giảm giá vé thăm quan để kích cầu du lịch, yếu tố then chốt là phải có thêm ngày càng nhiều các sản phẩm dịch vụ, trải nghiệm mới tại các điểm di tích. Điều này không chỉ hấp dẫn du khách, mà còn giúp tạo nguồn thu bền vững, khai thác hiệu quả hơn “mỏ vàng” di sản của Cố đô Huế.

Thời gian qua, nhiều hình ảnh, góc nhìn mới lạ về Huế từ những lăng tẩm, đền đài cho đến những miền quê yên bình, thơ mộng của một vùng di sản xuất hiện trên phim ảnh, sản phẩm âm nhạc đã tạo nên sự “ngỡ ngàng” cho chính những người dân địa phương, tạo hiệu ứng truyền thông tốt. Thông qua đó, góp phần quảng bá, lan tỏa đi hình ảnh về một mảnh đất Cố đô luôn luôn mới trong con mắt của du khách.

Theo Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh, trong bối cảnh mới hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh quá trình đầu tư và triển khai các gói hạ tầng phục vụ cho du lịch thông minh như thẻ du lịch thông minh gắn với hạ tầng giao dịch điện tử, hạn chế thanh toán bằng tiền mặt; xây dựng các ki-ốt dịch vụ thông minh phục vụ du khách; hoàn thiện phần mềm quản lý ngành Du lịch. Đồng thời, chú trọng “làm mới” và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản bằng cách huy động nhiều nguồn lực đầu tư khai thác các dịch vụ về đêm trong khu Đại Nội và khu vực phụ cận. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế tập trung hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng…để phục vụ nhu cầu của thị trường khách nội địa.

Quyền Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Hữu Minh cho biết: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Du lịch địa phương trong năm 2021 là triển khai các giải pháp phục hồi và cơ cấu lại ngành Du lịch, nhất là thị trường khách du lịch và sản phẩm du lịch; xây dựng chiến lược dài hạn, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá với nhiều hình thức mới, nhất là quảng bá trực tuyến trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.

Hiện nay, khi tình hình dịch COVID-19 đang được khống chế, việc mở các đường bay mới, tăng tần suất chuyến bay, điều chỉnh giờ bay đến Huế đã được tỉnh chú trọng đề xuất, làm việc với các hãng bay. Theo đó, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đường bay Huế - Đà Lạt 3 chuyến/tuần. Bamboo Airways đã có kế hoạch mở lại đường bay Huế - Hà Nội sau một thời gian tạm dừng. Đặc biệt, Hãng Hàng không Vietravel Airlines (đặt trụ sở chính tại Thừa Thiên – Huế) đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và có kế hoạch bay thương mại vào đầu năm 2021.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, ngành Du lịch của địa phương cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy, nhận thức trong xác định mục tiêu phát triển, hướng đến hình thành một ngành Du lịch đẳng cấp. Để làm được điều này, tỉnh đang nỗ lực để có thể thu hút những nhà đâu tư có thương hiệu lớn. Tuy nhiên bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải tự thân thay đổi, trước hết trong cách thức phục vụ theo hướng chuyên nghiệp hơn nhằm tạo ấn tượng ban đầu thật tốt đối với du khách khi đến với mảnh đất Cố đô Huế.

Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, năm 2021, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong nước nhưng chưa mở lại được nhiều đường bay quốc tế đến các thị trường chính, chỉ mở cửa cho một số thị trường gần, dự ước Thừa Thiên - Huế sẽ đón khoảng 3 - 3,5 triệu lượt khách (khách nội địa chiếm khoảng 80%), doanh thu du lịch ước đạt 6.500 - 7.000 tỷ đồng.

Tin, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)