10:14 01/10/2017

Ngành điều đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng

Việt Nam là một trong những quốc gia có thế mạnh về chế biến hạt điều, chiếm trên 50% nguyên liệu hạt điều thế giới. Tuy nhiên, ngành điều phải đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Dây chuyền sản xuất hạt điều xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Tại hội nghị “Phát triển ngành điều bền vững gắn với chuỗi giá trị toàn cầu” tổ chức ngày 30/9, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết, sau hơn 3 thập kỉ phát triển, Việt Nam đã trở thành nước có kim ngạch xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới, chế biến đứng thứ 2 và đứng thứ 3 về năng suất, sản lượng. Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 347.000 tấn điều, đạt kim ngạch 2,84 tỉ USD, chế biến trên 50% sản lượng điều của thế giới.

Mặc dù vậy, ngành điều Việt Nam vẫn còn những tồn tại như: Sản lượng giảm, thu nhập của người trồng điều không cao, giá trị gia tăng thấp, diện tích điều bị thoái hóa… Hiện sản lượng điều sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu chế biến của hơn 300 doanh nghiệp. Do đó, để duy trì sản xuất, chế biến, Việt Nam phải tăng dần lượng nhập khẩu điều từ các nước: Campuchia, Ấn Độ, Tây Phi, Bờ Biển Ngà… Khối lượng nhập khẩu năm 2016 là 1,1 tấn điều thô.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành điều của Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, đặc biệt dự báo nhu cầu tiêu thụ điều của thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới với sản lượng điều nhân của thế giới khoảng 700.000 tấn/năm. Để phát triển bền vững và gia tăng giá trị toàn cầu, ngành điều Việt Nam không chỉ tập trung vào công tác chế biến sâu sản phẩm, phát triển thị trường mà cần phải quan tâm đến công tác xây dựng vùng nguyên liệu, đưa giống điều mới vào sản xuất, thực hiện tái canh cây điều để tăng năng suất, sản lượng.

H.V/Báo Tin Tức