09:16 18/09/2012

Ngành dệt may cần một hệ thống bán lẻ đủ mạnh

'Đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay hầu hết đều có nguồn vốn ít, năng lực cạnh tranh chưa cao, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nước ngoài. Do vậy, để hàng dệt may Việt Nam thực sự đứng vững trên thị trường, cần một hệ thống bán lẻ đủ mạnh'.

Bà Dương Thị Ngọc Dung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam khẳng định: Đối với doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay hầu hết đều có nguồn vốn ít, năng lực cạnh tranh chưa cao, lại phải cạnh tranh khốc liệt với hàng nước ngoài. Do vậy, để hàng dệt may Việt Nam thực sự đứng vững trên thị trường, cần một hệ thống bán lẻ đủ mạnh.

Theo bà Dung, lợi thế lớn nhất của hàng dệt may Việt Nam sau 3 năm tham gia cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là sự ủng hộ của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhất là sự ủng hộ của người dân ở vùng nông thôn, ven thành phố, vùng sâu vùng xa vốn rất thiếu hàng hóa tiêu dùng đã giúp cho hàng hóa Việt có cơ hội tiếp cận sâu hơn với thị trường nội địa.


Để hàng dệt may Việt Nam thực sự đứng vững trên thị trường, cần một hệ thống bán lẻ đủ mạnh. Nguồn: vietbao.vn.



Từ đầu năm đến nay mặc cho sức mua của thương mại nội địa có giảm sút nhưng hoàn toàn không phải là không có đất để phát triển. "Nếu biết mở rộng kênh phân phối, đẩy mạnh phát triển mạng lưới đưa hàng về các vùng trắng, vùng không có các kênh phân phối bán lẻ của Việt Nam thì chúng ta vẫn có thể có cơ hội tăng doanh thu, đảm bảo sự tăng trưởng và cạnh tranh với hàng ngoại nhập", bà Dung nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để đưa hàng ra thị trường, doanh nghiệp phải trả một giá rất đắt cho kênh phân phối. Mặt bằng là cuộc chiến rất căng thẳng cho các nhà sản xuất, nhất là khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa đủ mạnh. Nếu hệ thống bán lẻ hàng Việt Nam không phát triển được và không đưa được hàng Việt vào hệ thống bán lẻ để phân phối cho người tiêu dùng thì sẽ dẫn đến nguy cơ rất lớn cho nền sản xuất Việt Nam, đời sống của người tiêu dùng bị ảnh hưởng và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào hàng ngoại.

Để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đạt kết quả cao hơn, bà Dung cho rằng có 3 vấn đề cần phải giải quyết. Thứ nhất, đối với người sản xuất phải có ý thức rất cao khi làm ra sản phẩm của mình. Họ không được nghĩ rằng họ làm vì thương hiệu của họ mà phải nghĩ rằng làm vì thương hiệu của Việt Nam . Thứ hai, doanh nghiệp phải nâng cao sức cạnh tranh bằng cách đầu tư kỹ thuật, công nghệ cao, giúp tăng năng suất lao động đạt được yêu cầu tương đương với khu vực và thế giới.

Thứ ba, hệ thống bán lẻ của nước ta vẫn còn chưa phong phú nên điều quan trọng hiện nay phải là phát triển các kênh phân phối tiện ích như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích… bởi những ưu thế rõ ràng như khi có nhu cầu, người tiêu dùng có thể rẽ ngay vào để mua hàng rồi đi. Như vậy nó cắm sâu vào dân hơn và trở thành cầu nối hữu ích của doanh nghiệp với người tiêu dùng.



TTXVN/ Tin Tức