08:06 19/08/2014

Ngành công nghiệp ô tô chịu nhiều áp lực cạnh tranh

Theo cam kết gia nhập Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), từ năm 2018, thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ giảm về mức 0%. Đây thực sự là áp lực cho các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khi thời gian không còn nhiều.

Theo cam kết gia nhập Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), từ năm 2018, thuế nhập khẩu đối với ô tô nguyên chiếc từ các nước trong khu vực ASEAN sẽ giảm về mức 0%. Đây thực sự là áp lực cho các nhà sản xuất ô tô Việt Nam khi thời gian không còn nhiều.


Tỷ lệ nội địa hóa thấp


Mặc dù nhận được nhiều chính sách ưu đãi nhưng đến nay ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa thực sự phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 - 10% đối với xe con và 35 - 40% đối với xe tải nhẹ, chủ yếu đảm nhận các công đoạn chính là hàn, tẩy rửa sơn và lắp ráp. Trong khi đó, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo tính toán, giá thành sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước ASEAN do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất.

 

Triển lãm quốc tế về công nghiệp ô tô và phụ trợ Việt Nam.


Ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương đánh giá, một số mục tiêu quan trọng của quy hoạch như tỷ lệ nội địa hóa, thị trường tiêu thụ đã không thực hiện được. Nguyên nhân một phần do chúng ta đặt kỳ vọng quá cao và chưa lường hết khó khăn về phát triển hạ tầng giao thông. Thị trường ô tô nội địa thực tế quá nhỏ bé với sản lượng xe sản xuất, lắp ráp chỉ ở mức từ 100.000 - 120.000 xe/năm với hàng trăm mẫu mã, chủng loại xe. Vì vậy,việc đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô cũng không hấp dẫn.


Về tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô được các nhà đầu tư nước ngoài, các dự án liên doanh cam kết lộ trình sẽ đạt đến 60% vào năm 2010, nhưng đến nay đều không đạt. Ví dụ như, Toyota phải đạt tỷ lệ nội địa hóa ít nhất là 30% vào năm 2006 nhưng đến nay, tỷ lệ nội địa hóa chỉ đạt trên 7%. Các liên doanh khác như Suzuki chỉ đạt trên 3%; Ford Việt Nam trên 2%...


Nắm bắt nhu cầu thị trường


Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Việt Nam có dân số đông, sau năm 2020 dự kiến vượt ngưỡng 100 triệu người, mức sống và thu nhập dần được cải thiện và nâng cao, điều kiện hạ tầng giao thông được cải thiện. Đây là các yếu tố hết sức quan trọng để tăng nhu cầu sử dụng ô tô. Do đó, trong quy hoạch mới, giai đoạn từ nay đến 2020, sẽ lựa chọn dòng xe chiến lược dưới 9 chỗ, tập trung phát triển với sản lượng lớn và có sự thống nhất cao giữa các bộ ngành liên quan trong việc phát triển công nghiệp ô tô. Đặc biệt, quan điểm xây dựng chính sách mới là quan tâm tới nhu cầu tiêu dùng. Khi tiêu dùng lên cao, thị trường mở rộng thì doanh nghiệp (DN) có điều kiện phát triển sản xuất hơn.


Chia sẻ về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Dương Đình Giám, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Bộ Công Thương cho rằng, bên cạnh việc xây dựng chính sách cho nhà sản xuất còn có chính sách hỗ trợ cho khu vực tiêu dùng. Ví dụ người mua xe tải phục vụ cho sản xuất hoặc mua xe nông dụng sẽ được hưởng ưu đãi vốn vay. Đối với khu vực xe cá nhân, Nhà nước cũng có những cơ chế chính sách để giảm bớt thuế, phí cho các dòng xe dung tích nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu, phù hợp với hệ thống hạ tầng giao thông, phù hợp với thu nhập của người dân...


Về việc phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp ô tô, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có hai yếu tố, thứ nhất là thị trường, chúng ta cần có dung lượng đủ lớn để thu hút các DN đầu tư vào sản xuất. Muốn phát triển thị trường, chúng ta phải có chính sách khuyến khích, trước hết phải giảm thuế, khuyến khích các DN phát triển công nghiệp phụ trợ thông qua nghiên cứu cụ thể. Trong lĩnh vực ô tô có 4.000-5.000 phụ tùng linh kiện, vì vậy phải nghiên cứu lộ trình công nghệ để vạch ra với hiện trạng của ngành cơ khí Việt Nam, chúng ta có thể sản xuất được phụ tùng, linh kiện nào... Thứ ba là giải pháp tài chính, các DN tư nhân hiện nay đa số là vừa và nhỏ, không thể có nguồn tài chính để tự đầu tư. Vì vậy, sau khi đã xác định được công nghệ, Nhà nước nên hỗ trợ vay vốn, nếu không có vốn ưu đãi thì có thể cho họ vay vốn thương mại nhưng phải bảo đảm cung cấp đúng tiến độ...


Về mục tiêu nội địa hóa 30 - 40% vào năm 2020 theo quy hoạch mới, nhiều chuyên gia nhận định là có thể thực hiện được, vì trên thực tế, xe buýt chúng ta đã nội địa hóa 60%, xe tải gần 40%, đối với dòng xe con nếu chúng ta đi vào những dòng xe giá bình dân và có thể thỏa thuận được với các nhà sản xuất chính khi dung lượng thị trường đi lên.


Quang Toàn