05:16 05/05/2020

Ngành công nghiệp cưới hỏi Ấn Độ đối mặt với tương lai ảm đạm

Anh Sushen Dang đã vô cùng háo hức chờ đợi đến ngày tổ chức lễ cưới của mình. Anh đã đặt phòng khách sạn tại một khu nghỉ dưỡng gần Vườn quốc gia Jim Corbett, miền Bắc Ấn Độ. Khoảng 300 khách mời đã được lên danh sách và những món quà đã được chuẩn bị tươm tất.

Chú thích ảnh
Đám cưới của một cặp đôi ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ, được tổ chức hôm 29/4. Ảnh: AFP 

“Mọi thứ đã được lên kế hoạch rất chi tiết. Tổ chức đám cưới tại Corbett sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi và các vị khách mời sẽ có những trải nghiệm đầy ý nghĩa giữa thiên nhiên đầy màu sắc,” anh Sushen Dang, một nhà phân tích thị trường 26 tuổi tại Toronto, người đã lên kế hoạch kết hôn với cô Keerti Narang, 25 tuổi, một chuyên gia trang điểm sống tại Bareilly, bang Uttar Pradesh, cho biết.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã khiến mọi kế hoạch của họ bị sụp đổ, cặp đôi buộc phải hoãn lại đám cưới. May mắn thay, một trong những người bạn của Dang đã gợi ý cho anh tổ chức đám cưới trực tuyến do nền tảng mai mối trực tuyến Shaadi.com sáng lập. Đây là một ý tưởng sáng tạo dành cho các cặp vợ chồng muốn kết hôn trong thời gian phong tỏa tại Ấn Độ.

Trong khi cặp đôi đã đăng ký kết hôn tại tòa án dân sự vào hồi tháng 2, ý tưởng tổ chức đám cưới trực tuyến đã thôi thúc họ. Theo đó, hôn lễ của anh Dang và cô Narang vẫn được được tổ chức theo đúng kế hoạch. Đám cưới đặc biệt đã diễn ra, anh Dang trong bộ trang phục chú rể truyền thống của Ấn Độ xuất hiện trên nền tảng phát trực tuyến từ Mumbai và cô Narang trong trang phục cô dâu từ Bareilly, cách đó hơn 1.400km,

Hôn lễ với sự tham dự của một nhạc sĩ, một thầy tu điều hành buổi lễ và 300 khách mời được phát trực tiếp trên ứng dụng Zoom. Đám cưới cũng phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook và thu hút trên 260.000 lượt xem.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tổ chức lễ cưới trực tuyến là một lựa chọn mới cho nhiều cặp đôi Ấn Độ có dự định kết hôn trong năm nay nhưng phải hoãn lại. 12 cặp vợ chồng Hồi giáo ở bang Madhya Pradesh đã kết hôn trong thời gian phong tỏa hôm 17/4, thông qua một cuộc gọi video do một thầy tu điều hành.

“Đám cưới là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của mỗi người và nhiều người đã rất buồn khi kế hoạch của họ bị hủy bỏ. Chúng tôi đã nghĩ đến việc đưa ra một ý tưởng để mọi người kết hôn mà không cần ra khỏi nhà mà vẫn giữ được ý nghĩa và những cảm xúc thiêng liêng”, ông Adhish Zaveri, Giám đốc Tiếp thị của Shaadi.com, chia sẻ với tờ The Straits Times.

Chú thích ảnh
Anh Sushen Dang tổ chức đám cưới trực tuyến từ  Mumbai với cô Narang từ Bareilly, cách đó hơn 1.400 km. Ảnh: Shaadi.com

Cho đến nay, Shaadi.com đã tổ chức một số đám cưới trực tuyến cho các cặp đôi. Họ đã nhận được những phản hồi tích cực từ các khách sử dịch dịch vụ tổ chức ​​đám cưới từ xa của mình.

Một số người cho rằng ý tưởng này đã mang lại niềm hy vọng cho nhiều cặp vợ chồng khi nhiều đám cưới truyền thống tại Ấn Độ dường như không mang lại được dấu ấn và không thể tổ chức với quy mô lớn trong tương lai gần. Các quy định giãn cách xã hội có khả năng sẽ hạn chế số lượng người tham dự sau thời gian phong tỏa và suy thoái kinh tế kéo dài chắc chắn sẽ khiến cho đám cưới ít thu hút hơn và có quy mô nhỏ hơn, nhất là sau đại dịch.

Ngành công nghiệp cưới hỏi tại Ấn Độ đem lại lợi nhuận lên tới hơn 70,8 tỷ USD hàng năm, đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Anh Piyush Gidel, một nhà tổ chức sự kiện tại Agra, thường nhận tổ chức khoảng 30 đám cưới lớn mỗi năm, với ngân sách lên tới 10 triệu rupee và vô số các đám cưới nhỏ hơn có ngân sách thấp khác.Tuy nhiên, trong năm nay, anh chỉ nhận được lời mời tổ chức 3 đám cưới trong tháng 1, bữa tiệc kỷ niệm hôm 8/3 là sự kiện cuối cùng của anh.

“Kể từ đó, tôi đã phải hủy bỏ 6 đám cưới. Các khách hàng không sẵn sàng thảo luận bất kỳ điều gì khi họ gọi cho tôi hủy kế hoạch”, ông Gidel, nhà tổ chức sự kiện cho biết và nói thêm rằng ngành công nghiệp cưới hỏi tại Ấn Độ không có hy vọng phục hồi trong năm nay.

Các đám cưới anh thường tổ chức đã tạo ra việc làm cho khoảng 200 người, bao gồm những người bán hoa, trang trí, nhạc sĩ, vũ công và bồi bàn.

Tình hình này thậm chí đã buộc anh phải xem xét lại công việc kinh doanh của mình và lên ý tưởng thành lập một cửa hàng tạp hóa để kinh doanh thay thế.

Anh Vineet Bhatt, 23 tuổi, người chơi Dhol – một loại nhạc cụ bằng trống, ở một số đám cưới, kiếm được khoảng 800 rupee từ mỗi sự kiện. Đám cưới cuối cùng anh tham gia biểu diễn từ ngày 12/3. Tuy nhiên, Bhatt đã nghỉ việc gần 2 tháng nay, câu lạc bộ trống của anh ở Delhi hiện đang đối mặt với một tương lai ảm đạm.

“Chúng tôi có chỉ còn tiền mua thức ăn trong hai hoặc ba ngày nữa và không có khoản tiết kiệm nào cả”, Bhatt nói.

Anh Bhatt và nhiều người khác làm việc trong ngành công nghiệp cưới hỏi Ấn Độ hy vọng mọi thứ sẽ bắt đầu quay lại thường ngày, khi mùa cưới ở miền Bắc Ấn Độ thường kết thúc vào tháng 7 và bắt đầu lại vào tháng 11.

Hải Vân/Báo Tin tức