07:07 09/07/2011

Ngành chế tạo - Chìa khóa tăng trưởng mới của Ấn Độ

Ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ phần mềm, được coi là thế mạnh của Ấn Độ trong phát triển kinh tế thời gian qua. Nhưng trong tình hình hiện nay, lĩnh vực này dường như đã qua thời đỉnh cao, không là đầu tàu giúp nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á duy trì được tốc độ tăng trưởng gần hai con số.

Ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ phần mềm, được coi là thế mạnh của Ấn Độ trong phát triển kinh tế thời gian qua. Nhưng trong tình hình hiện nay, lĩnh vực này dường như đã qua thời đỉnh cao, không thể tiếp tục đóng vai trò là đầu tàu giúp nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á duy trì được tốc độ tăng trưởng gần hai con số. Để giải bài toán tăng trưởng của Ấn Độ, người ta đang nói tới chiếc chìa khóa mới – ngành chế tạo hiện chiếm tỷ trọng rất nhỏ, chỉ 16%, trong nền kinh tế Ấn Độ. Nhưng các bước để giải bài toán này sẽ không hề đơn giản và chắc chắn đây không phải là con đường "trải đầy hoa hồng"!

Kho bãi thành phẩm của nhà máy sản xuất máy kéo Holland Fiat ở Greater Noida (Ấn Độ).


Vì phụ thuộc lớn vào lĩnh vực dịch vụ, cho nên Ấn Độ sẽ phải thay đổi các động lực kinh tế với việc chuyển hướng sang lĩnh vực chế tạo nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng gần hai con số, và quan trọng hơn là để hấp thu hơn 10 triệu người tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm trong những năm tới.
Mặc dù Chính phủ Ấn Độ đã nhận thức được những thách thức này và đặt mục tiêu nâng tỷ trọng khu vực chế tạo trong nền kinh tế lên 25% trong thập niên tới, từ mức khoảng 16% hiện nay, chặng đường để đạt được các mục tiêu đó có vẻ như khá nhiều chông gai, khi mà cơ sở hạ tầng của Ấn Độ dù đang được cải thiện nhưng vẫn còn rất yếu kém.

Ấn Độ bị thiếu hụt rất nhiều nhân tài cho dù là nước đông dân, có tới 1,3 tỷ người; luật lao động vẫn còn nhiều hạn chế; việc mua bán đất thì rất khó khăn; trong khi tình trạng quan liêu và tham nhũng lại tràn lan; các dây chuyền cung ứng thì kém phát triển; chi phí vay vốn thường rất đắt đỏ; còn các điều kiện phát triển giữa các bang lại có sự khác biệt rất lớn. Những trở ngại này đồng nghĩa với việc các cơ sở sản xuất chế tạo tại Ấn Độ hầu hết vẫn ở dạng quy mô nhỏ và không thể tận dụng hết lợi thế kinh tế. Sanjay Mathur, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Hoàng gia Xcốtlen tại Xinhgapo, nói: "Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng khu vực chế tạo của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa, hay như tại Trung Quốc, những kết quả đạt được của các nước này đều dựa trên một nền tảng rất mạnh: Sản xuất chế tạo quy mô lớn. Đó là điều mà Ấn Độ vẫn còn thiếu".

Về lợi thế của mình, Ấn Độ tự hào có một khu vực kinh tế công vững mạnh, một thị trường nội địa rộng lớn, một triển vọng thuận lợi về nhân khẩu học, và nếu có các chính sách giáo dục, đào tạo và quản lý tốt hơn, những nhân tố này có thể đưa Ấn Độ tham gia vào lực lượng toàn cầu trong lĩnh vực chế tạo. Nhưng nếu muốn trở thành một cường quốc chế tạo, Ấn Độ cần phải tạo điều kiện dễ dàng hơn cho những người như Nikhil Nanda, đồng Giám đốc Điều hành công ty sản xuất máy kéo Escorts Ltd, có trụ sở tại Niu Đêli. Escorts phải tự cung cấp tới 40% nhu cầu điện năng, đang phải cạnh tranh để tìm kiếm và giữ chân nhân viên nhằm vận hành các loại máy móc ngày càng tinh vi hơn, và phải chật vật vận hành dây chuyền cung ứng đang "căng như dây đàn".

Hiện nay, Ấn Độ đang đứng trước tình trạng khan hiếm lao động lành nghề, điều mà các công ty chế tạo cho là thách thức lớn nhất. Phần lớn người Ấn Độ hiện đều làm trong các ngành không chính thức, ít được học hành hoặc thậm chí chưa qua trường lớp đào tạo nào. Theo Standard Chartered, trình độ văn hóa của người dân Ấn Độ đã có sự cải thiện rất lớn nhưng trong số 74% số người biết đọc biết viết thì chỉ có 2,2% được đào tạo về kỹ thuật hoặc tham gia các lớp hướng nghiệp. Các chủ sử dụng lao động thường phải dành thời gian, thậm chí rất nhiều tháng, để giúp những lao động mới tuyển dụng bắt nhịp được với công việc, điều thường khiến chi phí tăng cao. Do đó, Ấn Độ - nước chỉ chi 3% GDP cho giáo dục - cần phải nâng cao khả năng chuyên môn của lực lượng lao động nếu muốn khai thác được hết lợi thế về nhân khẩu học, của sự gia tăng trong dân số trong độ tuổi lao động. Bên cạnh đó, luật lao động còn nhiều hạn chế khiến các công ty Ấn Độ gặp khó khăn trong việc cắt giảm nhân viên, đổi lại không khuyến khích họ tuyển dụng lao động. Theo luật hiện hành của Ấn Độ, bất kỳ cơ sở kinh doanh nào sử dụng hơn 100 lao động đều phải thông báo cho Chính phủ nếu muốn cắt giảm nhân viên.

Ngoài việc phát triển lực lượng lao động, Ấn Độ cần hợp lý hóa các hoạt động mua bán đất đai và đẩy nhanh tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện mục tiêu đầu tư 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới và đảm bảo hoàn thành các dự án đúng hạn để cải thiện hình ảnh trong mắt các nhà đầu tư.

TKT