07:16 08/07/2025

Ngăn thực phẩm 'ngậm' hóa chất lọt vào bữa ăn của người dân

Thực phẩm “ngậm” hóa chất tràn lan là chuyện không hiếm trên thị trường, sau khi hàng loạt các vụ vi phạm an toàn thực phẩm bị phanh phui gần đây, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Dù cơ quan chức năng đã liên tục kiểm tra, xử lý, nhưng thực phẩm bẩn vẫn tràn chợ, lọt vào bữa cơm mỗi ngày. Ngăn thực phẩm bẩn vào bữa ăn của người dân cần nhiều biện pháp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa.

Chú thích ảnh
Giá đỗ được sản xuất từ hóa chất độc hại tại Lào Cai hồi cuối tháng 5. Ảnh: TTXVN phát

Người tiêu dùng cả nước mới đây trải qua không ít lần "rùng mình" trước những thông tin về thực phẩm “ngậm” hóa chất bị phanh phui. Cụ thể, giữa tháng 4 năm nay, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất được một cơ sở sản xuất và tiêu thụ từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt. Ngay sau đó, cuối tháng 5, một cơ sở sản xuất giá đỗ với thủ đoạn tương tự bị phát hiện tại tỉnh Lào Cai. Hàng loạt các vụ sản xuất cà phê tẩm hóa chất cũng bị khởi tố tại Đắk Lắk hay mới đây nhất Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện 3 cơ sở ngâm hoa chuối với hàn the và chất tẩy trắng, tiêu thụ khắp địa bàn Thành phố.

Thực phẩm “ngậm” hóa chất len lỏi vào bữa ăn và thói quen tiêu dùng hàng ngày của người dân, được bày bán tràn lan trên thị trường. Một số người bán vì lợi nhuận mà sẵn sàng “đánh cược” với sức khỏe cộng đồng. Tiểu thương giấu tên tại chợ dân sinh trên địa bàn phường Tân Mỹ (TP Hồ Chí Minh) cho biết: Đôi khi không biết thực phẩm có ngâm, tẩm hóa chất độc hại, cũng có khi biết nhưng mà tặc lưỡi cho qua, bởi ai cũng bán như vậy! Còn nhiều người tiêu dùng thừa biết thực phẩm có sử dụng chất gây hại nhưng cũng nhắm mắt làm ngơ, vì nếu không thì “không biết ăn cái gì!”.

Câu chuyện cười ra nước mắt từng được ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group chia sẻ tại một sự kiện: Khi doanh nghiệp ông quyết tâm bán cà phê chỉ xay từ hạt cà phê trên thị trường nội địa thì bị người tiêu dùng “quay lưng” vì không hợp “gu” bởi họ đã quen với hương vị từ cà phê pha trộn thành phần khác. Câu chuyện cho thấy mặt trái của thị trường khi hàng giả trở thành điều hiển nhiên.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc Diệp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, những thực phẩm tưởng như vô hại, ẩn chứa nhiều chất cấm nguy hiểm, rất khó để người tiêu dùng phân biệt bằng mắt thường. Nếu sử dụng thường xuyên thực phẩm “bẩn”, triệu chứng nhẹ là gây tổn thương, rối loạn đường tiêu hóa, nặng hơn có thể tổn thương chức năng gan, thận, đường ruột, dạ dày, thậm chí gây ung thư.

Lợi nhuận che mờ ranh giới đạo đức, cộng với khả năng bị phát hiện thấp, nhiều cơ sở sản xuất, tiểu thương sẵn sàng “đánh cược” với sức khỏe cộng đồng khiến tình trạng thực phẩm bẩn ngày càng nhức nhối, không riêng gì địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Trong một số vụ việc được phát hiện, lực lượng chức năng mô tả quy trình sản xuất như trong “lò hóa chất, từ hóa chất tăng trưởng giá đỗ không nhãn mác, đến chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc ngâm hoa chuối, rồi phụ gia tạo mùi, tạo màu cho cà phê… Tất cả đều diễn ra trong những nhà xưởng tạm bợ, không điều kiện vệ sinh, nhưng lại trót lọt và len lỏi khắp các chợ lớn nhỏ.

Thực trạng trên không chỉ phản ánh sự liều lĩnh, bất chấp từ phía người sản xuất, kinh doanh, mà còn cho thấy những kẽ hở trong quản lý thị trường và kiểm soát thực phẩm. Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP Hồ Chí Minh, các hoạt động thanh kiểm tra thường tổ chức theo đợt, lực lượng mỏng, khó bao phủ toàn bộ thị trường. Trong khi đó, cơ chế giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống, nơi cung cấp 60 - 70% thực phẩm cho người dân thành phố, đâu đó vẫn còn lỏng lẻo so với hệ thống siêu thị, kênh phân phối hiện đại.

Đáng chú ý, trong khi lực lượng chuyên ngành gặp khó vì thiếu thiết bị kiểm nghiệm nhanh tại chỗ, mẫu thực phẩm thường phải chờ khá lâu để cho kết quả cụ thể thì chất cấm mới liên tục “biến hình”. Điều này khiến danh mục kiểm tra không theo kịp, không có chế tài xử lý dù vẫn gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tiếp tay cho thị trường thực phẩm “bẩn” là hoạt động kinh doanh hóa chất sôi động tại TP Hồ Chí Minh; trong đó có không ít các vụ vi phạm về kinh doanh hóa chất không rõ nguồn gốc. Điển hình, trong năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử lý 42 vụ vi phạm kinh doanh hóa chất, với số tiền hơn gần 700 triệu đồng.

Dù gặp nhiều khó khăn trong truy vết, thanh kiểm tra cơ sở kinh doanh hóa chất trên địa bàn, bởi quy mô nhỏ lẻ, di động, nhiều hóa chất chưa có trong danh mục, khó phân tích… nhưng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm kiểm tra, giám sát mạnh mẽ, thường xuyên, không để hình thành những “điểm nóng” về kinh doanh hóa chất trôi nổi, thiếu kiểm soát.

Để ngăn thực phẩm “tẩm độc” vào bữa ăn người dân, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến nghị, cần có giải pháp tổng thể; trong đó lực lượng  chức năng cần tăng tần suất kiểm tra đột xuất, đầu tư thiết bị kiểm tra nhanh tại chợ truyền thống, cập nhật liên tục danh mục chất cấm. Chính quyền địa phương cần quản lý sát sao các điểm sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình, đồng thời kiểm soát hoạt động kinh doanh hóa chất, vốn là “gốc rễ” của vấn đề.

“Phải phạt thật nặng các hành vi vi phạm và công khai rộng rãi cơ sở vi phạm này để răn đe và cảnh báo cho người tiêu dùng. Đồng thời, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong kinh doanh của hộ kinh doanh, tiểu thương; không để lợi nhuận làm mờ mắt mà vi phạm pháp luật”, bà Diệp nhấn mạnh.

Là mắt xích cuối cùng trong chuỗi cung - cầu thực phẩm, người tiêu dùng vừa là nạn nhân, nhưng cũng có thể là đồng phạm thụ động, nếu không nâng cao nhận thức, nói không với thực phẩm quá rẻ, lựa chọn nhà cung cấp rõ nguồn gốc và chủ động tố giác nếu nghi ngờ thực phẩm có dấu hiệu bất thường. Ngăn chặn chất cấm trong thực phẩm không thể chỉ trông chờ vào một vài cuộc kiểm tra mà cần nhận thức và giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Muốn thực phẩm sạch thật sự, cần có hành động thật sự, không thể để kiểm mãi mà vẫn lọt mãi.

Hương Giang (TTXVN)