10:00 17/10/2012

Ngân hàng và doanh nghiệp: Chia sẻ khó khăn và lợi ích

Tại “Hội nghị đối thoại chính sách: Doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hôm qua (16/10).

Tại “Hội nghị đối thoại chính sách: Doanh nghiệp và thách thức phát triển bền vững” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tạp chí Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) tổ chức hôm qua (16/10).

 

 

Chánh Văn phòng Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - NHNNVN), - ông Trương Ngọc Anh (ảnh) đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới xung quanh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng.

 

´Nhiều DN vẫn “khát” vốn ngân hàng. Nhiều DN còn gặp khó khăn vì nợ quá hạn. Vì vậy, ông có cho rằng, ngân hàng nên cho DN thêm cơ hội để cơ cấu lại các khoản nợ để hồi phục kinh doanh?


Nếu như trước kia, lãi suất được thả nổi theo thị trường thì hiện tại, NHNN chỉ cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) huy động tiền gửi với lãi suất có kỳ hạn là 9%. Thống đốc NHNN đã chỉ đạo quyết liệt các TCTD hạ lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp mà DN lại khát vốn. Theo quan điểm của Thống đốc, nếu DN "chết" thì ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Sự tồn tại của DN có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng. Tuy nhiên, khi ngân hàng cho DN vay, họ cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn của NHNN nhằm đảm bảo hệ thống được an toàn. Hơn nữa, các điều kiện cho vay vẫn cần được xem xét chặt chẽ. Vì trong 2 năm qua, rất nhiều khoản vay của DN lại sử dụng sai mục đích kinh doanh, đầu cơ bất động sản, chứng khoán.


´Thưa ông, vẫn nhiều DN đang thắc mắc, có hay không nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ dành cho DN và cách tiếp cận nguồn vốn này ra sao?


DN chỉ có thể trả nợ khi còn "sống" Tại Diễn đàn doanh nhân Việt Nam ngày 13/10 do VCCI tổ chức, ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Chính phủ và Quốc hội cần xem xét để sớm có những giải pháp mạnh hơn, đặc biệt là về thuế để hỗ trợ DN. Liên quan tới xử lý nợ xấu, ông Tá đề nghị: NHNN phải có cơ chế để khoanh lại các khoản nợ được xếp vào diện khó đòi, sau đó sẽ xử lý nợ sau. Phía các NHTM cũng phải chia sẻ với DN, trước kia lãi lớn thì nay phải bù vào. Còn các khoản vay mới thì phải thẩm định kỹ càng theo từng dự án và trích lập dự phòng rủi ro theo đúng tiêu chuẩn quy định. Bởi DN chỉ có thể trả nợ khi còn “sống”.

Tới thời điểm này, ngân hàng chưa nhận được bất cứ thông báo nào về việc Chính phủ dành nguồn vốn ưu đãi cho DN. Năm 2011, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho DN, lúc đó, NHNN chỉ hỗ trợ một số lĩnh vực, trong đó có xuất, nhập khẩu. Chính phủ đã phải sử dụng ngân sách để bù đắp phần chênh lệch lãi suất phát sinh giữa chi ngân hàng cho DN vay với chi phí đầu vào của ngân hàng.


NHNN vẫn đang thanh toán chi trả cho các TCTD đối với phần chênh lệch lãi suất phải thanh toán theo mức mà các DN, cá nhân vay được vốn ưu đãi. Như vậy, hiện không có nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ dành cho DN.


´Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều DN đang lỗ nhưng ngân hàng lại lãi lớn. Nên chăng các ngân hàng "hy sinh" bớt lợi nhuận để chia sẻ với DN, ông nghĩ sao về vấn đề này?


Tính đến hết tháng 6/2012, toàn bộ hệ thống ngân hàng có chênh lệch thu chi là 18.770 tỷ đồng; đến hết tháng 8/2012 là 24.854 tỷ đồng. Tuy nhiên, phải cuối năm sau khi quyết toán mới tính được lợi nhuận. Với con số chênh lệch thu chi trên thì nhìn có vẻ lớn nhưng xét về góc độ hiệu quả, tỷ suất chênh lệch thu chi trên tổng tài sản của hệ thống ngân hàng lại rất thấp. Ở thời điểm ngày 30/6, tỷ suất lợi nhuận/vốn của cả hệ thống ngân hàng là 4,14% và 5,13% ở thời điểm ngày 30/8. Trong khi đó, những năm trước đây, tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận/vốn là từ 11 - 12%. Kết thúc năm tài chính, tỷ lệ tỷ suất lợi nhuận/vốn của các ngân hàng thông thường là từ 18 - 20%.


Hiện nay, nhìn lãi suất huy động và cho vay vẫn có khoảng cách xa nhưng nếu tính cả chi phí dự phòng đối với khoản nợ xấu thì thực tế chênh lệch lãi suất đầu vào và ra nhìn chung ở mức thấp, từ 2 - 2,5%, trong khi đó thông thường từ 3 - 3,5% thì ngân hàng mới hòa vốn. Tất nhiên, có trường hợp NHTM có tỷ suất lợi nhuận cao do quản trị rủi ro tốt, dự phòng rủi ro thấp nhưng xét cả hệ thống ngân hàng hiện nay thì lợi nhuận rất thấp.


Minh Phương (ghi)