08:16 18/08/2014

Ngân hàng Phát triển BRICS có thay đổi cuộc chơi?

Các quốc gia trong nhóm BRICS đang hy vọng kiểm soát những nguồn lực của chính họ nhiều hơn, cũng như có vai trò lớn hơn nhằm dân chủ hóa cơ cấu tổ chức của những quỹ tài trợ đa quốc gia.

Tại Hội nghị thượng đỉnh của nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS), tổ chức tại Brazil từ ngày 14-16/7 vừa qua, năm quốc gia thành viên (gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi) đã nhất trí thành lập Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ Cứu trợ Khẩn cấp (CRA). Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là những động thái đó có giúp gia tăng ảnh hưởng kinh tế của khối BRICS trước sự lấn át của những hệ thống tài chính do phương Tây chi phối và liệu những điều này có thay đổi được cuộc chơi?


Đó là nghi vấn của chuyên gia Sonia Kukil, thành viên của Viện Nghiên cứu về Xung đột và Hòa bình Quốc tế (IPCS). Trong một bài phân tích được đăng tải trên trang mạng Stratfor (Mỹ) về những hoạt động mới đây của nhóm BRICS trong việc thành lập NDB và CRA, nhằm tìm hiểu liệu hai tổ chức này có đủ sức làm đối trọng với WB và IMF hay không, ông Kuki đã có một số đánh giá sau:


Ngân hàng NDB có số vốn ban đầu là 50 tỷ USD, mỗi nước đóng góp 10 tỷ và sẽ tăng lên 100 tỷ trong những năm tới. Nguồn vốn của ngân hàng này sẽ được sử dụng cho các dự án phát triển bền vững và cơ sở hạ tầng của các quốc gia thành viên trong khối BRICS và những quốc gia đang phát triển khác. CRA là một quỹ nhằm trợ giúp cho các quốc gia trong khối BRICS-trong đó Trung Quốc đóng góp 41%. Những thỏa thuận trên được cho là sẽ mang lại tác động về chính trị và kinh tế mạnh mẽ.


Biểu tượng của BRICS 2014.


Việc hình thành NDB được tuyên bố là “vì sự phát triển của tương lai”. Nó bảo đảm một cơ chế bỏ phiếu bình đẳng cho các thành viên sáng lập và cung cấp các khoản vay mà không có điều kiện kèm theo. Điều này được cho là để tăng cường hợp tác hiện tại và lâu dài giữa các quốc gia trong khối BRICS, đặc biệt là hợp tác kinh tế.


Rõ ràng, động lực chủ yếu đằng sau những sáng kiến của BRICS là muốn thể hiện một vai trò lớn hơn trong trật tự kinh tế thế giới vốn đang tập trung vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). NDB có ý định bổ sung, và có lẽ sau này, sẽ thay thế những cơ chế đa phương này bằng một cấu trúc tài chính mới. Các quốc gia trong nhóm BRICS đang hy vọng kiểm soát những nguồn lực của chính họ nhiều hơn cũng như có vai trò lớn hơn nhằm dân chủ hóa cơ cấu tổ chức của những quỹ tài trợ đa quốc gia.


Thay đổi cuộc chơi?


Vậy liệu NDB có thành công trong việc thách thức vị trí của phương Tây trong nền tài chính toàn cầu? Hay nó chỉ có tác động mang tính biểu tượng và khoa trương mà thôi?


Ít nhất, về mặt danh nghĩa, BRICS có khả năng về tài chính để chống lại sự chi phối của WB và IMF, vì 4 thành viên sáng lập - Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga - thuộc top 10 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế thì không phải như vậy. Quy mô vốn đăng ký của NDB và khả năng cho vay là rất nhỏ so với WB - ước tính đã cho vay khoảng 60 tỷ USD trong năm nay. Rõ ràng là, khả năng cho vay của NDB không đủ để tạo ra một tác động đáng kể đối với quá trình phát triển của những quốc gia mới nổi. Và do đó sẽ rất khó khăn cho NDB trong việc tạo ra thách thức đối với phạm vi và quy mô của những tổ chức hiện có (WB và IMF).


Trong khi đó, thông qua NDB, BRICS sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động thương mại của mình có sử dụng đồng đôla, do đó khiến cho nền kinh tế của họ hoạt động phù hợp với các chính sách và thủ tục do Mỹ đặt ra. Không có sự lựa chọn nào khác để thay thế cho đồng đôla vì nó là sự lựa chọn chính cho các giao dịch tài chính trên toàn cầu. Vì vậy, thay vì kiểm soát trật tự kinh tế toàn cầu, các quốc gia BRICS vẫn còn bị mắc kẹt trong trật tự đó ở tương lai gần.


Các nhà lãnh đạo BRICS ủng hộ việc thành lập NDB.


Hơn nữa, sự khác biệt trong cấu trúc có thể là điểm tới hạn cho sự khác biệt giữa các quốc gia BRICS. Đây vẫn là vấn đề cốt lõi cho sự thiếu ổn định của khối này. Cụ thể, Trung Quốc không chỉ là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới mà còn là nền kinh tế lớn hơn nhiều so với tất cả các nền kinh tế của các quốc gia trong khối BRICS cộng lại. Sự đóng góp của Trung Quốc vào CRA lớn hơn phần còn lại của khối. Nhiều nhà phân tích cho rằng Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng chi phối tới các quốc gia khác trong khối. Vì vậy, với sức mạnh kinh tế và chính trị lấn át, Bắc Kinh sẽ áp đảo trong BRICS. Có những nỗi sợ hãi vẫn đang tồn tại, đó là NDB sẽ thể hiện ưu thế cá nhân của Trung Quốc hơn là một hệ thống ngân hàng được sở hữu chung bởi các nước thành viên.


Ngoài ra, nền kinh tế của các quốc gia thành viên BRICS được cho là sẽ rơi vào suy thoái trong một tương lai gần. Tăng trưởng của các quốc gia thành viên trong tương lai sẽ kém ấn tượng hơn so với trước đây do những khó khăn dai dẳng về kinh tế như vấn đề lạm phát. Một số chuyên gia còn cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo sẽ đến từ các quốc gia BRICS. Thất bại trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao sẽ hạn chế khả năng cho vay của BRICS và theo đó, tăng thêm sự phụ thuộc của các quốc gia này vào WB và IMF.


Mặt khác, những lợi ích khác nhau, những ưu tiên khác nhau và những hệ thống quản lý khác nhau trong BRICS càng làm gia tăng hơn nữa sự hoài nghi về khả năng của BRICS trong việc tạo ra đối trọng với những hệ thống tài chính mà phương Tây đang chi phối. Động lực trong nội khối của BRICS dường như quá ít.


Mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ đã xấu đi do những tranh chấp lãnh thổ, Nga thì có vẻ như đang lo lắng về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của kinh tế Trung Quốc, và mối quan hệ của Nam Phi với Trung Quốc đang bị chao đảo do nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên quan trọng của nước này. Vì thế, mối quan hệ trong BRICS là một mối quan hệ đối tác mong manh dễ vỡ mà rất có thể sụp đổ trong tương lai. Đưa ra sáng kiến như vậy trong hội nghị thượng đỉnh lần này là một đột phá. Mặc dù vậy, còn có sự hoài nghi về thành công của ngân hàng BRICS trong việc thay thế những ngân hàng phát triển hiện tại và tái cân bằng trật tự kinh tế toàn cầu.

 


Văn Thành (theo Stratfor)