08:18 05/08/2020

Ngân hàng Nhà nước cam kết đủ nguồn lực để bình ổn thị trường vàng

Cuối giờ chiều 5/8, giá vàng SJC có nơi niêm yết vượt mốc 59 triệu đồng/lượng, xu hướng tiến tới mốc 60 triệu đồng/lượng. Thông tin báo chí từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cuối giờ chiều 5/8 khẳng định: Nếu có diễn biến bất thường, NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Chú thích ảnh
Đầu giờ ciều 5/8, có khách hàng đã bán tới 37 kg vàng tại hệ thống kinh doanh vàng Phú Quý, phố Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Giá vàng tăng kỷ lục hơn 59 triệu đồng/lượng, đầu cơ vàng dễ rủi ro

Diễn biến vàng cuối giờ chiều 5/8 tại hệ thống Doji, giá vàng SJC ở Hà Nội mua vào - bán ra ở mức 58 - 58,7 triệu đồng/lượng, tăng 1,15 triệu đồng/lượng mua vào và tăng 1 triệu đồng/lượng bán ra so với ngày 4/8. 

Tại hệ thống Bảo Tín Minh Châu, giá vàng giao dịch 58,02 – 58,85 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều so với phiên trước. Đặc biệt tại hệ thống ngân hàng Maritime Bank, giá vàng bán ra kỷ lục là 59,4 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với phiên trước. Ở Phú Quý, giá vàng giao dịch 57,90 – 58,90 triệu đồng/lượng, tăng 1,25 triệu đồng/lượng so với phiên trước. 

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức chiều 5/8 về diễn biến thị trường vàng, bà Nguyễn Luyến, Phó Giám đốc kinh doanh vàng trao đổi của Bảo Tín - Minh Châu nói: “Mở cửa giao dịch sáng 5/8, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục trong lịch sử giá vàng chạm ngưỡng 2.020 USD/ounce, phá vỡ ngưỡng cản 2.000 USD/ounce. Giá vàng tăng cao bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, lý do chính khiến giá vàng tăng là do dịch bệnh COVID-19 tương đối phức tạp. Tình hình chính trị diễn biến ngày càng căng thẳng giữa Mỹ - Trung khiến thương mại toàn cầu khó đoán”.

Chú thích ảnh
Các nhân viên bảo vệ của Phú Quý vất vả khi liên tục dắt xe ra, vào cho khách hàng tới giao dịch vàng.

Theo bà Nguyễn Luyến, nhìn chung thị trường vàng có sôi động trở lại. Tại Bảo Tín – Minh Châu, lượng khách hàng đến giao dịch ngày 5/8 đã tăng gấp 2 - 3 lần so với tuần qua. Lượng khách mua chiếm khoảng 60% tổng lượng khách giao dịch. Thời điểm hiện tại, giá vàng có những diễn biến phức tạp cùng với đó diễn biến xấu của đại dịch COVID-19, căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng leo thang, sức cầu từ các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và đồng USD chưa có những điểm sáng…

“Chúng tôi khuyên người dân nên cân nhắc thận trọng trước khi đưa ra giao dịch mua hoặc bán. Lựa chọn những doanh nghiệp, thương hiệu có uy tín để giao dịch nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của mình. Đặc biệt, các nhà đầu tư phải theo dõi giá vàng thế giới, thị trường trong nước hàng ngày, hàng giờ để cập nhật tình hình thực tế đưa ra quyết định đúng đắn”, bà Nguyễn Luyến nói.

Chú thích ảnh
Khách hàng tới mua vàng tại Bảo Tín - Minh Châu. 

Phó Giám đốc kinh doanh vàng trao đổi của Bảo Tín – Minh Châu dự báo: Thời gian tới nếu thế giới không nghiên cứu được vac-xin COVID-19, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. Dự đoán giá vàng thế giới có thể tăng đến 2.100 USD/ounce và giá vàng trong nước có thể cán mốc 60 triệu đồng/lượng. 

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7/2020 đến nay, mỗi lượng vàng SJC đã đắt lên tới gần 10 triệu đồng/lượng. Theo ý kiến một số chuyên gia tài chính, có cơ hội để đầu tư vào vàng thời điểm này nhưng hãy thận trọng với kim loại quý bởi độ rủi ro của thị trường rất lớn.

Chú thích ảnh
Vừa đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu vàng cho khách hàng, cửa hàng vàng vừa phải đảm bảo chống dịch COVID-19 do đông người tới giao dịch. 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh hiện nay, vàng vẫn có cơ hội để đầu tư nhưng không nên dồn hết vốn vào vàng. Người dân càng không nên rút tiền tiết kiệm để mua vàng. Nếu người dân có tiền nhàn dỗi chỉ nên dùng 1/3 để đầu tư vào kim loại quý. Thậm chí phải tính toán cả độ rủi ro, nếu chấp nhận được rủi ro thì hãy tham gia "cuộc chơi" này.

"Người dân có đầu tư hãy đầu tư dài hạn và tuyệt đối không nên 'lướt sóng'. Giá vàng tăng nhanh nhưng cũng có thể xuống rất nhanh nên 'lướt sóng' dễ rủi ro rất lớn. Nếu mua vàng tại thời điểm này hãy giữ lại khoảng 6 tháng sau được giá thì bán", Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.

Chuyên gia tài chính Trí Hiếu phân tích: Hiện giá vàng trong nước đang "vênh" với giá thế giới khá lớn, thời điểm sáng 5/8 là gần 3 triệu đồng/lượng. Đây là một thông số cho thấy độ rủi ro cao trên thị trường, thông thường chênh lệch 1 triệu đồng/lượng cũng là yếu tố cảnh bảo rủi ro. Thêm vào đó, ở những thời điểm nhạy cảm, giới kinh doanh vàng thường nới rộng chênh lệch mua và bán để bảo đảm an toàn. Điều đó lại đẩy rủi ro đến cho người dân. Bởi người dân khi mua sẽ mua giá cao nhưng khi bán ra thì lại chịu thiệt nhiều vì giá thấp.

Bài học gần đây nhất là vào sáng 28/7. Giá vàng trong nước đã vượt mốc 58 triệu đồng/lượng vào đầu giờ sáng nhưng đã nhanh chóng rớt mạnh. Chỉ trong buổi sáng, mỗi lượng vàng SJC đã rẻ đi tới gần 1 triệu đồng/lượng. Nếu ai mua vàng vào đầu giờ sáng ở mức giá 58 triệu đồng/lượng thì cuối giờ sáng đã chịu lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng. 

Chú thích ảnh
Các khách hàng phải xếp hàng, đảm bảo sự giãn cách khi tới giao dịch vàng tại Bảo Tín - Minh Châu. 

Ở góc nhìn khác, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng nhìn nhận: Tại Việt Nam sau khi không còn chính sách gửi vàng có lãi (không giống như gửi tiền tiết kiệm, việc gửi vàng vào ngân hàng chẳng những không được hưởng lãi suất mà thậm chí còn khiến người gửi mất một khoản phí, thường gọi là phí giữ hộ vàng) thì nhu cầu yếu hơn. Trong bối cảnh giá vàng tăng như hiện nay, những người đang nắm giữ vàng hoặc đã mua vào ở thời điểm giá thấp thì nên nắm giữ. Còn những người chưa mua vẫn có thể đầu tư vào vàng, nhưng không nên mạnh tay. 

Sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường

Theo NHNN, giá vàng quốc tế đã tăng mạnh, vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/oz. Trong ngày 5/8, có thời điểm, giá vàng quốc tế đã tăng lên mức kỷ lục 2.039 USD/oz, mức cao nhất trong lịch sử. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay. Chính phủ và Ngân hàng Trung ương các nước lần lượt triển khai các gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hoà về gói cứu trợ trị giá 1 nghìn tỷ USD. Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.

“Mức tăng của giá vàng miếng SJC trong nước phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế nhưng khác với trước đây, khi giá vàng tăng, mọi người thường đổ xô đi mua vàng. Tuy nhiên giao dịch thị trường hiện không quá đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng. Nếu tính chung, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi”, đại diện NHNN nói. 

Chú thích ảnh
Nhân viên cửa hàng vàng đo nhiệt độ và xịt nước sát khuẩn tay cho khách tới mua, bán vàng. 

Theo NHNN, thời gian tới, giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường, NHNN sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức