10:07 28/10/2012

Ngân hàng đua nhau “săn” khách mở thẻ ghi nợ

Khó tăng trưởng tín dụng cuối năm, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng cho vay. Thay vì tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng ghi nợ.

Khó tăng trưởng tín dụng cuối năm, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng cho vay. Thay vì tập trung cho vay tiêu dùng cá nhân, các ngân hàng đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng ghi nợ.

 

Theo đó, không chỉ ngân hàng nội địa mà ngay cả ngân hàng nước ngoài cũng đua nhau “săn” khách hàng mở thẻ. Công ty Nghiên cứu thị trường Mỹ - Research & Markets cho rằng, với mức dự báo tăng trưởng 18,5%/năm, đến 2014, thị phần thẻ tín dụng Việt Nam sẽ bị cạnh tranh quyết liệt từ nay đến cuối năm.

 

Cạnh tranh khách hàng


Liên tục nhiều ngày qua, chị Phương Mai - ngụ tại quận Bình Thạnh được Ngân hàng ANZ “săn đuổi” mời chào mở thẻ tín dụng ghi nợ. Với lí do làm cơ quan nhà nước, tổng thu nhập chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng, không đủ điều kiện mở thẻ (thu nhập ít nhất 7,2 triệu đồng/tháng, được chuyển qua thẻ ATM). Thế nhưng, Ngân hàng ANZ vẫn thuyết phục chị có thể mở thẻ nếu sở hữu nhà, ô tô… Chỉ cần phôtô công chứng giấy tờ trên, chị Mai đã có thể làm được thẻ ghi nợ.


Không chỉ ANZ, mà các ngân hàng HSBC, ACB, MDB, Eximbank… cũng “ồ ạt” mời chào khách hàng “xài” thẻ tín dụng. Theo các ngân hàng, đây là một loại hình tín dụng tiện lợi, kích thích người tiêu dùng và mua sắm, nhất là trong thời điểm tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Với cách thức này, khách hàng có thể tiêu tiền trước rồi trả sau và được hưởng tối đa 45 ngày tín dụng không lãi suất khi mua sắm. Đáng chú ý, số tiền vay qua thẻ có thể gấp nhiều lần mức lương hàng tháng (từ 4 đến 12 tháng, thậm chí 36 tháng) hoặc từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.


Thực tế trước đây, khi vay tiêu dùng khách hàng phải thế chấp bằng bất động sản, lập phương án trả nợ, thì nay ngân hàng chỉ cần bảng sao kê thu nhập hàng tháng (thanh toán qua ngân hàng) cùng với các giấy tờ pháp lý khác (CMND, hộ khẩu, hợp đồng lao động, …) là có thể vay được tiền. Bên cạnh đơn giản các thủ tục cho vay, tư vấn tận tình cách làm thẻ, ngân hàng có phối hợp với các doanh nghiệp, trung tâm mua sắm hỗ trợ khách hàng khi dùng thẻ ghi nợ với chiết khấu, giảm giá ưu đãi từ 10 - 50%.


Chẳng hạn ANZ giảm 10% khi đặt phòng trả trước ở Ôxtrâylia & Niu Dilân bằng các loại thẻ ANZ, giảm thêm 5% khi đặt phòng trả trước bằng thẻ tín dụng ANZ visa chuẩn và vàng. HSBC tặng ngay 88 vé khứ hồi đi Hồng Công trong 88 ngày triển khai chương trình đối với khách hàng mới mở thẻ tín dụng. Vietinbank kết hợp với một loạt các siêu thị điện máy, trung tâm thương mại để giảm giá từ 10 - 30% cho chủ thẻ khi tham gia mua sắm. Tương tự, Agribank cũng ưu đãi cho khách mua hàng tại các siêu thị, hỗ trợ dịch vụ du lịch. Vietcombank thì giảm giá 200.000 đồng cho những chủ thẻ đặt phòng và giảm 5% cho các lần đặt phòng tiếp theo tại các khách sạn cao cấp của Việt Nam…

 

Bước tiến không dùng tiền mặt


So với cho vay tiêu dùng thông thường, việc cho vay qua thẻ tín dụng được các ngân hàng xem như “nhặt bạc lẻ” bởi sau 45 ngày mới tính lãi và lãi suất được tính cạnh tranh, lợi nhuận không nhiều. Nhưng với việc nâng cao vị thế thương hiệu, cạnh tranh khách hàng bằng những dịch vụ tiện ích, các ngân hàng chấp nhận “lùi một bước để tiến hai bước” trong tương lai. Mặt khác, việc các ngân hàng ồ ạt lao vào cuộc đua với những sản phẩm tiện ích, thanh toán, khuyến mại qua thẻ là một hướng đi hợp lý để "chữa cháy" trong bối cảnh cho vay khó khăn. Nhờ vậy, lượng khách mở thẻ ngày càng tăng.


Số liệu của Ngân hàng Nhà nước tính đến hết quý II/2012 cho thấy, số lượng tài khoản tiền gửi thanh toán cá nhân của hệ thống ngân hàng trong nước lên tới 37,7 triệu tài khoản, tăng 4,7 triệu so với thời điểm cuối năm 2011, gấp 2,5 lần so với năm 2008 (14,7 triệu tài khoản). Điều này chứng tỏ, người Việt Nam đang quen dần với việc sử dụng và là bước tiến mới trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo Đề án của Chính phủ. Việc đẩy mạnh mở thẻ tín dụng cộng với những khoản ưu đãi hấp dẫn khi không dùng tiền mặt đã giúp doanh nghiệp giảm được lượng hàng tồn kho, kích thích mua sắm.


Tuy nhiên, theo các chủ thẻ tín dụng, việc mua sắm qua thẻ được sử dụng hạn chế, nhất là trong việc giao dịch trực tuyến. Bởi thực tế, thời gian qua đã không ít chủ thẻ bị mất tiền oan do tội phạm công nghệ đã và đang xâm nhập vào Việt Nam. Điều này không chỉ gây thiệt hại về tài sản của các chủ thẻ, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thanh toán điện tử cũng như thương hiệu và uy tín của nhiều ngân hàng thương mại trong nước.


Chính vì vậy, rất nhiều người dân mong chờ các ngân hàng tăng cường an ninh mạng hơn nữa để an tâm khi sử dụng thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cần nâng cấp, bảo trì máy ATM & POS nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo cho hệ thống thanh toán được thông suốt. Có như vậy, thị trường thẻ tín dụng mới phát triển mạnh và người dân sẽ có cơ hội hưởng lợi từ những ưu đãi và tiện ích của sản phẩm thẻ, kích thích tiêu dùng, giảm chi phí xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hệ thống, góp phần thực hiện thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015 đã được Chính phủ phê duyệt.



Hải Yên