06:06 28/06/2018

Ngân hàng dư thừa vốn huy động nhưng vì sao lãi suất cho vay vẫn khó giảm?

Một số ngân hàng thương mại (NHTM) vừa giảm lãi suất huy động do thanh khoản dồi dào khiến không ít người kỳ vọng về lãi suất cho vay hạ. “Gần đây có nhiều khách hàng gọi tới ngân hàng hỏi về mức lãi suất cho vay liệu có giảm? Khách hàng đi vay bao giờ cũng muốn nguồn vốn vay rẻ khiến ngân hàng chịu nhiều áp lực", Phó Tổng giám đốc một NHTM cổ phần nói.

Thị trường tiếp tục chứng kiến lãi suất huy động các kỳ ngắn hạn của một số ngân hàng với mức giảm từ 0,2-0,3%/năm. Lãnh đạo một NHTM lớn chia sẻ: Đợt giảm lãi suất huy động vừa qua không phải là đại trà mà chỉ ở một vài ngân hàng dư thừa nguồn vốn huy động ngắn hạn, một phần cân đối lại nguồn theo hướng khuyến khích khách gửi tiền ở kỳ hạn dài.

Để lãi suất huy động giảm được thì lạm phát phải giảm. Ảnh minh họa: BIDV.

Sau khi mức lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn được Techcombank giảm từ 0,2- 0,3%/năm, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại ngân hàng này chỉ còn 4,5%/năm; kỳ hạn 2 tháng là 4,6%/năm; kỳ hạn 3-5 tháng là 4,75/năm. Trong khi đó, kỳ hạn 6-11 tháng được ngân hàng này điều chỉnh giảm 0,3%, xuống còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm.

Trước đó, Eximbank đã có đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm nhẹ 0,1-0,2%/năm. LienVietPostBank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3-5 tháng còn 4,6%/năm, kỳ hạn 6-8 tháng giảm xuống 5,1%/năm. Một số ngân hàng lớn như: BIDV, VietinBank cũng đã có động thái giảm lãi suất huy động kỳ hạn ngắn hạn khoảng 0,2%/năm.

Giới kinh doanh dịch vụ ngân hàng chia sẻ: Việc giảm lãi suất huy động cũng nhằm cơ cấu lại kỳ hạn huy động vốn theo hướng khuyến khích người dân gửi kỳ hạn dài, thay vì tập trung vào các kỳ hạn ngắn như trước. Năm nay, các ngân hàng cũng bị khống chế room tín dụng tăng 12- 14% nhưng mới hết 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng đã tăng 7-8%, thậm chí 9% nên phải tăng trưởng tín dụng chậm lại. Theo thống kê 5 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 7,4%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2017. Do đó, việc dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để các đơn vị tiết kiệm chi phí.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất đầu vào giảm có thể kỳ vọng lãi suất đầu ra giảm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất ở mức khá hạn hẹp, không có nghĩa giảm 1% lãi suất huy động thì có thể mong đợi sẽ giảm 1% trên lãi suất cho vay bởi không có nhiều yếu tố can thiệp giữa lãi suất đầu vào và lãi suất đầu ra.

Ngoài ra, một loạt chi phí hoạt động của ngân hàng ngày càng cao như, chi phí lao động, đầu tư công nghệ thông tin, chi phí hoạt động...Những yếu tố này đã khiến cơ hội giảm lãi suất cho vay khó thực hiện. Để lãi suất huy động giảm được thì lạm phát phải giảm.

“Lãi suất đồng USD dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Trong phiên họp ngày 13/6, FED đã quyết định tăng lãi suất cơ bản ngắn hạn của USD thêm 0,25 điểm % lên mức 1,75-2%. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của FED trong năm nay và khả năng sẽ tăng thêm 2 lần nữa. Lãi suất USD tăng sẽ tác động tới tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng tới lãi suất VND và khiến lạm phát tăng lên”, TS.Hiếu lo ngại.

Việc “chần chừ” giảm lãi vay cũng khiến một số ngân hàng lý giải: Vào đầu năm 2018, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay từ 0,5- 1%/năm nên sẽ khó có đợt giảm tiếp theo chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Bởi để tính toán giảm lãi suất các ngân hàng phải dựa trên dòng vốn đầu vào, đầu ra và phải có độ trễ, chứ không phải nói giảm là giảm ngay được.

Ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Việc giảm lãi suất huy động hiện nay chỉ là tạm thời do thanh khoản của các ngân hàng đang khá dồi dào. Các ngân hàng vẫn cơ cấu lại kỳ hạn nợ, lãi suất huy động chỉ giảm tại một số kỳ hạn nhất định và chưa thể trở thành “làn sóng” trong hệ thống ngân hàng thương mại. Chưa kể, khi hạ lãi suất huy động, các ngân hàng còn phải tính tới việc cạnh tranh với các kênh đầu tư như bất động sản, chứng khoán vốn đang trở nên hấp dẫn gần đây. Do đó, khả năng lãi vay giảm được nhận định là khá khó khăn.

Theo các chuyên gia tài chính- ngân hàng, phải có sự hỗ trợ từ nhiều chính sách như phát triển thị trường vốn để giảm áp lực cho tín dụng, có giải pháp ngăn chặn đầu cơ bất động sản, giữ ổn định VND mới giảm được lãi suất cho vay. Phải có sự phối hợp của tài khóa để đẩy mạnh thị trường vốn, giảm phụ thuộc vào ngân hàng thì mới giảm áp lực vốn tín dụng; cùng với đó thị trường bất động sản cũng phải được quản lý tốt, giảm đầu cơ nhà đất, phải làm sao xóa đi suy nghĩ đầu tư nhà đất vẫn có lãi hấp dẫn thì khi đó người dân mới gửi tiền ngân hàng.

SaveSave
Minh Phương/Báo Tin tức