07:15 07/07/2012

Ngân hàng, doanh nghiệp đồng hành chia sẻ vượt khó khăn

“Ngân hàng cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất hợp lý, chia sẻ cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Việc này không chỉ là cứu các doanh nghiệp mà còn là cứu chính mình” Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012

Ngày 7/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012. Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã gửi lẵng hoa và thư chúc mừng Hội nghị.


Ngân hàng nhà nước Việt Nam. Ảnh internet.


 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đánh giá cao tinh thần đồng lòng, quyết tâm của ngành ngân hàng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thời gian qua. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ, trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường vốn dài hạn còn chưa phát triển, ngân hàng và các doanh nghiệp phải cùng đồng hành vượt qua khó khăn. “Ngân hàng cần điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất hợp lý, chia sẻ cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Việc này không chỉ là cứu các doanh nghiệp mà còn là cứu chính mình”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.


Đối với lĩnh vực xử lý nợ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu, các ngân hàng thương mại đánh giá thực trạng nợ, trong đó có nợ xấu; phân tích nguy cơ từng khoản nợ và có giải pháp cụ thể, cơ cấu nợ xấu phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục sản xuất kinh doanh, từ đó mới trả được nợ. Trong cơ cấu tín dụng, ngoài các lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng cần nghiên cứu mở rộng cho vay tín dụng với các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất, kể cả đối với tín dụng cho tiêu dùng và cần tiến dần tới việc điều hành tín dụng ngân hàng theo thị trường. Ngoài ra, ngân hàng cần điều hành linh hoạt tỷ giá, giữ giá đồng Việt Nam, đảm bảo cung cầu và quyền sở hữu vàng của nhân dân.


Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm là đúng hướng và cần tiếp tục được triển khai. Mặc dù vậy, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, vẫn còn một số vấn đề nổi lên cần khắc phục, đó là tăng trưởng tín dụng thấp nhưng khả năng mở rộng tín dụng trong thời gian tới vẫn khó khăn; một số tổ chức tín dụng vẫn niêm yết lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng ở mức cao hơn 12%/năm; lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam dù đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tỷ trọng dư nợ có lãi suất cao vẫn còn lớn. Việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai…


Trong những tháng cuối năm 2012, NHNN theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời kiểm soát tỷ trọng dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực không khuyến khích so với tổng dư nợ cho vay. Toàn ngành phấn đấu trong 6 tháng cuối năm đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 8 – 10%.


Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng chỉ đạo toàn ngành nhanh chóng hạ lãi suất cho vay với các doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng thương mại phải sớm chỉ đạo các chi nhánh rà soát điều chỉnh lãi suất cho vay với khách hàng cũ ở mức từ 15%/năm trở xuống, và thực hiện từ sau ngày 15/7. Đối với lãi suất cho vay mới, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên thì thực hiện theo mặt bằng thị trường hiện nay.


Cùng với đó, NHNN sẽ điều hành lượng tiền cung ứng thông qua các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến thị trường và chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo góp phần kiềm chế lạm phát ở mức 6 – 8%; tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14 – 16%, thặng dư cán cân thanh toán quốc tế trên 3 tỷ USD, góp phần tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.


Ngành ngân hàng cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành theo dõi chặt chẽ tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, thống kê danh mục hàng tồn kho theo từng ngành cụ thể để chủ động đề xuất các giải pháp giải phóng hàng tồn kho, cải thiện môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả…/.


Hoàng Tùng