10:09 11/10/2012

Ngân hàng đẩy mạnh kích cầu tín dụng

Càng gần đến thời điểm cuối năm, các ngân hàng càng đua nhau kích cầu tín dụng. Bên cạnh việc đưa ra những chương trình khuyến mãi huy động vốn, các ngân hàng còn dùng nhiều “chiêu” để đẩy vốn tín dụng ra ngoài nhằm hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh.

Càng gần đến thời điểm cuối năm, các ngân hàng càng đua nhau kích cầu tín dụng. Bên cạnh việc đưa ra những chương trình khuyến mãi huy động vốn, các ngân hàng còn dùng nhiều “chiêu” để đẩy vốn tín dụng ra ngoài nhằm hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng dù có nỗ lực kích cầu tín dụng, các ngân hàng vẫn khó đạt được mức tín dụng như kế hoạch đặt ra.

 

Đua nhau khuyến mại


Mặc dù hiện nay, hầu hết các ngân hàng (NH) đều đang thừa vốn do ít người vay, nhưng NH vẫn đẩy mạnh huy động thông qua tăng lãi suất huy động. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất tiền gửi trên 12 tháng đang có xu hướng tăng, đạt mức 12,5-13%/năm. Với những kỳ hạn dưới 1 tháng là 2%/năm; từ 1 tháng đến dưới 12 tháng có mức 8,8-9%/năm.

 

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Hội sở Seabank, số 25 Trần Hưng Đạo (Hà Nội).

 

Song song đó, các NH cũng mạnh tay tung các “chiêu” tặng quà, bốc thăm với giá trị cao như trúng 1 kg vàng SJC, xe máy Air Blade FI Magnet, điện thoại Samsung Galaxy S3, du lịch trong, ngoài nước… Đáng chú ý, không chỉ ngân hàng nhỏ mà ngay cả ngân hàng lớn như VCB, Techcombank, Vietinbank… cũng đều có chương trình khuyến mãi.


Bên cạnh việc đua nhau huy động vốn, các ngân hàng còn đẩy mạnh các chương trình cho vay để kích cầu tín dụng. Theo đó, nhiều NHTM đã tung hàng loạt chương trình khuyến mại lãi suất nhằm thu hút khách hàng vay vốn. Phần lớn, các ngân hàng nhắm đến người tiêu dùng cá nhân với những lời mời chào chương trình cho vay mua nhà, mua ô tô, thế chấp tiêu dùng, hộ kinh doanh… với lãi suất cho vay “thấp chưa từng có”: 0,82%/tháng, tức 9,9%/năm.


Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trước tình hình kinh tế khó khăn, việc đẩy mạnh tín dụng không phải chuyện dễ dàng. Bởi những người muốn vay lại không thể chứng minh dự án khả thi, hoặc vẫn còn vướng nợ ở các ngân hàng khác chưa trả được. Theo đó, một số NH bên cạnh khuyến mãi lãi suất cho vay, tặng quà còn khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán qua thẻ sẽ được tặng tiền mặt vào tài khoản. Tại Ngân hàng Vietcombank và Tienphong Bank, kể từ ngày 1/10 - 10/11/2012, khoảng 50 - 100 khách hàng đầu tiên thực hiện thành công giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua thẻ mỗi ngày sẽ được tặng ngay 50.000 - 100.000 đồng vào tài khoản.


Bên cạnh đó, các ngân hàng còn ưu đãi cho chủ thẻ visa thanh toán qua thẻ khi mua hàng tại các hệ thống siêu thị với mỗi hóa đơn mua sắm từ 1.000.000 đồng trở lên sẽ nhận được phiếu mua hàng trị giá 50.000 đồng cho lần mua hàng kế tiếp, hoặc giảm 5 - 10% trên tổng giá trị hóa đơn…

 

Tiền “chảy” đi đâu?


Theo TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, việc NH đẩy mạnh huy động và cho vay nhằm mục đích tăng thêm nguồn vốn cho NH, đảm bảo thanh khoản, chủ động nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.


Thực tế cho thấy, hiện một số NH đang mất khả năng thanh khoản, vay ở thị trường liên NH không được, phải ra thị trường ngoài vay để có vốn đáp ứng lại. Mặt khác, do giá vàng trong suốt 1 tháng qua liên tục tăng cao, một bộ phận người gửi vàng ở các NH rút ra để bán có thể gây căng thẳng về thanh khoản cho một số NH.


Tuy nhiên, điều kỳ lạ là từ đầu năm đến nay, lượng tiền huy động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/10 vốn huy động, nhiều người khó hiểu khi các NH vẫn cấp tập huy động vốn. Chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia kinh tế IMF, cho rằng sở dĩ nhiều NH đang “đua” lãi suất huy động là do từ đầu tháng 9/2012, Thông tư 21/2012/TT-NHNN có hiệu lực. Theo đó, nguồn vốn liên ngân hàng bị thu hẹp, các ngân hàng buộc phải tăng huy động trên thị trường dân cư để bù đắp.


TS. Nguyễn Đại Lai, chuyên viên NHNN cũng cho hay, dù tín dụng tăng trưởng rất thấp, song hiện nay dư nợ tín dụng vẫn bằng khoảng 125% GDP. Điều này cho thấy, khách hàng của ngành ngân hàng vẫn rất lớn, nhưng do chưa đến hạn trả nợ hoặc không trả được nợ, vì thế tín dụng chủ yếu vẫn dùng vào đảo nợ.


Dù vậy, nhiều chuyên gia lo ngại, hiện tượng huy động tăng lãi suất kéo dài sẽ tiếp tục tạo áp lực lên thị trường lãi suất cho vay, nhất là vào dịp cuối năm. Khi lãi suất huy động vào khoảng 13%/năm thì các NH sẽ cho vay với lãi suất khoảng 17%/năm, mức lãi suất này là quá cao đối với người dân và doanh nghiệp.


Hải Yên