06:22 15/06/2012

Ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Người dân vẫn không mặn mà

Để có thể hạ lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã tìm cách hạ lãi suất huy động xuống mức 9%/năm trước thời điểm 11/6 như quy định. Thậm chí, các ngân hàng còn dành các gói tín dụng tiêu dùng để kích cầu người vay.

Để có thể hạ lãi suất cho vay, nhiều ngân hàng đã tìm cách hạ lãi suất huy động xuống mức 9%/năm trước thời điểm 11/6 như quy định. Thậm chí, các ngân hàng còn dành các gói tín dụng tiêu dùng để kích cầu người vay. Tuy nhiên, dù lãi suất trên đà giảm mạnh, các doanh nghiệp cũng như khách hàng cá nhân vẫn không mặn mà.

Lãi suất cho vay đã hạ...


Theo Ngân hàng nhà nước (NHNN), tuần 2 của tháng 6 đã có nhiều ngân hàng hạ lãi suất cho vay, đồng thời đưa ra các gói tín dụng tiêu dùng với lãi suất thấp nhằm hút khoản vay mới từ những khách hàng hiện tại và khách hàng mới từ những ngân hàng không có khả năng cung cấp tín dụng lớn.



Khách hàng giao dịch theo lãi suất mới tại Ngân hàng VPBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Như Ngân hàng Nam Á dành 700 tỉ đồng để triển khai các gói sản phẩm tín dụng bán lẻ hỗ trợ khách hàng cá nhân trong việc vay vốn mua sắm tiêu dùng, vay vốn mua ô tô dưới 9 chỗ, vay mua - sửa chữa nhà ở, vay tiền du học, khám chữa bệnh... với lãi suất 17 - 18% cho kỳ hạn 6 - 12 tháng và 16 -17% cho kỳ hạn từ 12 - 60 tháng.


Với gói tín dụng 1.000 tỉ đồng, Ngân hàng Quốc tế (VIB) đưa ra lãi suất 14,2%/năm trong ba tháng đầu tiên đối với cho vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà. Hạn mức cho vay tối đa 90% giá trị tài sản thế chấp và thời hạn vay tối đa 15 năm. Cùng lúc, trong gói tín dụng 7.000 tỉ đồng triển khai từ giữa tháng 4 dành cho cá nhân, hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, bất động sản, đến nay ngân hàng ACB tiếp tục giảm lãi suất cho vay xuống còn 15,5% (trước đó là 17%/năm). Còn Vietcombank đưa ra gói tín dụng quy mô 2.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất chỉ 13 - 14%/năm. Theo đó, Vietcombank cho vay lãi suất 13% vốn lưu động với những người kinh doanh các lĩnh vực dịch vụ, đại lý bán hàng, kinh doanh thương mại, đầu mối thu mua.


Một tháng trước đó, ngân hàng HSBC Việt Nam cũng miễn phí lãi suất trong tháng đầu tiên cho người vay mua nhà, xe và vay tín dụng tiêu dùng cá nhân. Theo ông Godfrey Swain, Giám đốc khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam, nếu tính lãi suất 0% trong tháng đầu tiên, thì lãi suất vay mua nhà của một khách hàng bình thường là 14,6% trong năm đầu tiên.

 

... nhưng vẫn ít người vay


Cùng với lãi suất hạ, cơ chế cho vay tiêu dùng cũng được các ngân hàng nới hơn do bất động sản, tiêu dùng đã bị loại ra khỏi nhóm đối tượng không khuyến khích. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn không được cải thiện nhiều so với những tháng đầu năm.


Chị Phan Thanh - ngụ tại quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết: “Tìm hiểu các chương trình giảm lãi suất cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng để mua nhà, tôi thấy lãi suất đã hạ, nhưng vẫn khó có thể vay”. Theo chị Thanh, nếu lựa chọn ngân hàng lớn có uy tín là Vietcombank, lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 14%/năm. Tuy nhiên, thời hạn cho vay chỉ là ngắn hạn, khoảng 12 tháng. Nếu vay sẽ khó có đủ tiền trả nợ vì cộng gốc lẫn lãi, số tiền vẫn quá cao. Còn chọn mức thời gian trung và dài hạn tại ngân hàng Nam Á, lãi suất lại quá cao, lên đến 17 - 18%/năm. Trong khi đó, cứ 3 tháng ngân hàng lại điều chỉnh lãi suất 1 lần theo lãi suất thị trường. Nếu xét về đà giảm lãi suất trong năm thì có lợi, nhưng sang các năm tiếp theo, khi nền kinh tế hồi phục thì lúc đó sẽ gặp nhiều khó khăn vì lãi suất sẽ tăng.


Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM thừa nhận, đơn vị này đã giảm lãi suất so với trước khoảng 5%, nhưng lượng khách đến vay vẫn không tăng. Ngay cả khi ngân hàng không đòi hỏi tài sản thế chấp, mà cho vay theo kiểu tín chấp, lượng khách hàng vẫn không nhích lên nhiều. Theo ông, lãi suất hiện nay vẫn chưa thực sự thấp đến mức người dân có thể sẵn lòng vay vốn. Bản thân các nhà băng cũng muốn bán được sản phẩm (cho vay ra), nên rất nhiều lần hạ lãi suất, song người dân vẫn không vay, dù bình thường, gói cho vay tiêu dùng khá hút khách.


Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ngân hàng ACB nhận định, không nên lấy mức lãi suất trước kia để làm thước đo cho hiện nay, mà phải lấy sức mua của người dân cũng như tình hình lạm phát. Thực tế hiện nay, hầu hết ngân hàng không đẩy cao tín dụng được là do sức mua của người dân vẫn còn yếu, không có nhu cầu vay và chỉ số bán lẻ cực thấp. Bản thân các doanh nghiệp cũng vẫn có hàng tồn kho, nhiều đơn vị phải đóng cửa, khiến người lao động phải nghỉ việc, không có lương nên không có cơ sở để đi vay.


Theo ông Richard Harris, Giám đốc khối bán lẻ VIB, hiện mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến ở mức 16 - 18,5%/năm, song với xu hướng lãi suất đang giảm, nếu muốn tiếp cận khách hàng, thì các ngân hàng cần điều chỉnh giảm mức lãi suất tín dụng mạnh hơn nữa.

 

Hải Yên