03:10 28/03/2011

Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Bình Định: Chỗ dựa vững chắc của người nghèo

Hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bình Định trong những năm qua đã bám sát và triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy KT-XH phát triển...

Hoạt động của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bình Định trong những năm qua đã bám sát và triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo an sinh xã hội và tạo được niềm tin, chỗ dựa vững chắc của hàng vạn người nghèo ở địa phương.

Ngư dân khu vực Hải Minh, phường Hải Cảng, Quy Nhơn được hỗ trợ từ Quỹ xóa đói giảm nghèo nuôi cá lồng trên cửa biển Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Viết Ý


Mạng lưới giao dịch của NHCSXH trên địa bàn tỉnh Bình Định ngày càng được mở rộng và phát triển, đến nay đã được thành lập được 11 phòng giao dịch cấp huyện, thành phố và 138 điểm giao dịch/159 xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các điểm giao dịch này đều được đặt tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn và mỗi tháng ít nhất tổ chức một lần giao dịch để giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm dân cư và chi ủy thác cho các tổ chức chính trị xã hội làm dịch vụ ủy thác cho vay với NHCSXH; đồng thời là nơi diễn ra các cuộc họp giao ban giữa chính quyền địa phương, hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và người vay vốn cùng NHCSXH để phổ biến chủ trương chính sách mới, giải quyết, tháo gỡ khó khăn và bàn biện pháp chỉ đạo thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi với người nghèo.

Với nhiệm vụ ngày càng nặng nề, từ tổ chức thực hiện 8 chương trình tín dụng ưu đãi, đến năm 2010 Chính phủ đưa lên 12 chương trình, nhưng Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đã quản lý, hoạt động nguồn vốn đúng mục đích, đối tượng và phát huy hiệu quả, góp phần làm thay đổi bộ mặt đời sống của nhân dân vùng nông thôn, miền núi rộng lớn trên địa bàn tỉnh Bình Định. Năm 2010 Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định đã cho 25.853 khách hàng vay trên 651,782 tỷ đồng và đưa tổng dư nợ đến cuối tháng 12/2010 lên trên 1.625 tỷ đồng, tăng hơn 396,9 tỷ đồng và với tổng số hộ được vay vốn 128.549 hộ.

Thông qua nguồn vốn từ NHCSXH, người nghèo tỉnh Bình Định đã mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, định canh định cư và giải quyết những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội, đồng thời góp phần quan trọng giảm được thêm 5.082 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Dư nợ quá hạn chỉ chiếm 0,55% và tổng doanh thu về hoạt động tín dụng năm 2010 trên 9,23 tỷ đồng. Đồng thời thông qua nguồn vốn từ NHCSXH, tỉnh Bình Định có rất nhiều hộ thoát nghèo nhanh chóng và vững chắc.

Ông Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định cho biết: Với chức năng quản lý và điều hành một nguồn vốn lớn của Nhà nước và giải quyết cho vay trong hoàn cảnh chịu sự tác động chung của sự suy giảm kinh tế và đến các đối tượng có tính chất "rủi ro" cao, vì vậy điều đầu tiên là phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, vô tư, bình đẳng trong khâu xét duyệt cho vay và tận tình hướng dẫn lập thủ tục, giải ngân kịp thời cho người dân.

Mặt khác phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích cặn kẽ về ý nghĩa, mục đích của các nguồn cho vay ưu đãi của Nhà nước với lãnh đạo chính quyền và người dân địa phương. Đôi khi còn phải "cầm tay, chỉ việc" nên nguồn vốn vay đã sử dụng không chỉ đúng đối tượng, mục đích, bảo tồn được nguồn vốn quay vòng mà còn được phát huy hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo của tỉnh...

Bước sang năm 2011, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Định phấn đấu đưa tổng dư nợ lên 2.509 tỷ đồng, trong đó cho hộ nghèo vay 782 tỷ đồng; cho học sinh và sinh viên vay 1.061 tỷ đồng và số còn lại cho vay giải quyết việc làm, phát triển lâm nghiệp, xuất khẩu lao động... Chi nhánh đưa dư nợ bình quân một hộ vay từ 12 triệu đồng lên 16 triệu đồng; nợ quá hạn giảm dưới 0,5% và quay vòng vốn tín dụng đạt 0,25 vòng.

Những điều cần biết khi hộ nghèo vay vốn:

1. Đối tượng được vay vốn: Hộ nghèo: Là những hộ được xác định theo chuẩn nghèo của Chính phủ từng thời kỳ. Hộ nghèo không được vay vốn bao gồm: Hộ không còn sức lao động, hộ độc thân đang trong thời gian thi hành án; hộ lười biếng không chịu lao động; hộ mắc các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp…; những hộ nghèo thuộc diện chính sách xã hội như: Già cả neo đơn, tàn tật, thiếu ăn do ngân sách Nhà nước trợ cấp.

2. Điều kiện để được vay vốn: Hộ nghèo cư trú hợp pháp tại địa phương nơi cho vay; có tên trong danh sách hộ nghèo tại xã, phường, thị trấn theo chuẩn nghèo do Thủ tướng Chính phủ công bố từng thời kỳ. Hộ nghèo vay vốn không phải thế chấp tài sản nhưng phải là thành viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn được tổ bình xét, lập thành danh sách đề nghị vay vốn có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn. Chủ hộ hoặc người thừa kế được ủy quyền giao dịch là người đại diện hộ gia đình chịu trách nhiệm trong mọi quan hệ với NHCSXH, là người trực tiếp ký nhận nợ và chịu trách nhiệm trả nợ NHCSXH.

Viết Ý