07:23 08/07/2015

Ngăn đà suy giảm du khách quốc tế-Bài 2

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra "6 nỗi sợ" của du khách nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam là chặt chém, làm giá; giao thông không an toàn; ăn xin và ăn cắp vặt; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường và có những nơi không thể hiện sự tôn trọng khách.

Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra "6 nỗi sợ" của du khách nước ngoài khi đi du lịch Việt Nam là chặt chém, làm giá; giao thông không an toàn; ăn xin và ăn cắp vặt; an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường và có những nơi không thể hiện sự tôn trọng khách. Chỉ thị số 14/CT-TTg đã giao trách nhiệm cụ thể cho lãnh đạo các địa phương tập trung giải quyết triệt để "6 nỗi sợ" này.

Địa phương phải vào cuộc

Nỗi sợ đầu tiên khi đi du lịch là bị “chặt chém”. Những vụ việc khách du lịch bị “chặt chém” với giá không tưởng như vụ khách Nhật Bản chỉ ăn 3 món, uống 2 chai bia, 1 cốc nước ép tại Bà Rịa -Vũng Tàu mà phải trả 22 triệu đồng. Mới đây, du khách nước ngoài ăn hải sản tại Hải Phòng, giá 1 kg hết 1,5 triệu đồng… Đây là những vụ việc mà du khách kêu cứu nhờ đến cơ quan truyền thông đăng tải thông tin. Còn rất nhiều vụ việc “móc túi” trắng trợn hoặc tinh vi chưa được phản ánh, nhưng luôn được cảnh tỉnh với người thân, bạn bè. Điều này đã trở thành tiếng xấu với nhiều điểm du lịch như Nha Trang, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Gian hàng quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại hội chợ VITM.


Cũng có một số địa phương làm rốt ráo vấn đề xây dựng môi trường du lịch văn minh nhằm xóa bỏ tiếng xấu. Điển hình trong năm nay là thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa). Bên cạnh số điện thoại nóng, số của lãnh đạo thị xã Sầm Sơn cũng được niêm yết công khai tại nhiều địa điểm. Khi có thông tin từ du khách, các vụ việc được xử lý kịp thời và nghiêm túc. Cụ thể là gần đây, nhà hàng Duy Anh (Sầm Sơn) bị phạt 20 triệu đồng vì tăng thêm 2 bát cơm giá 60.000 đồng trong hóa đơn. Từ đầu dịp hè đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành xử phạt 49 vụ “chặt chém” du khách thông qua các số điện thoại nóng. Theo ghi nhận của các doanh nghiệp du lịch, với các biện pháp xử phạt nặng, tình trạng “chặt chém” tại Sầm Sơn đã giảm đáng kể.

Còn tại Đà Nẵng, sự thân thiện được thể hiện qua phong trào vận động của chính quyền địa phương dịp nghỉ lễ 30/4, chẳng hạn các nhà dân ven đường sẵn sàng phục vụ khách có nhu cầu vào đi vệ sinh miễn phí. “Đó chỉ là hành động đơn giản nhưng thực sự tạo sự thân thiện với du khách. Điều này không phải địa phương nào cũng làm được, nhất là khi lượng khách đến đông vào mùa cao điểm”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận xét.

Để giải quyết “6 nỗi sợ” của du khách thì sự vào cuộc địa phương có vai trò quan trọng. Đơn cử như hiện nay, trong khi cả nước sụt giảm lượng khách thì Đà Nẵng và Hội An vẫn tăng trưởng. Theo Tổng cục Du lịch, sự hấp dẫn của điểm đến Đà Nẵng - Hội An là ở những sản phẩm khác biệt, nổi bật; đồng thời là sự làm hài lòng khách, đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường, thân thiện với du khách.

Hỗ trợ du khách đến cùng

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết: “Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 18 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách. Theo đó, đối với địa phương thu hút trên 1 triệu khách sẽ phải thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch. Đến nay, có 7 tỉnh thành lập trung tâm hỗ trợ du khách và 21 địa phương lập đường dây nóng. Trong các tỉnh có đường dây nóng, điểm du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã có những chuyển biến tích cực do lãnh đạo thị xã tham gia trực tiếp vào việc giải quyết các sự việc phát sinh. Hiện các đường dây nóng do Sở VHTTDL và địa phương thành lập nhưng mới dừng tiếp nhận thông tin và gửi đến cơ quan chức năng như công an và quản lý thị trường. Còn việc xử lý tiếp theo như thế nào vẫn chưa được thực hiện. Từ sự việc “con cua chỉ có 0,42 kg tại Nha Trang” mới đây cho thấy cần có sự khai thông tiếp nhận thông tin và xử lý sự việc của cơ quan chức năng.

“Điểm mới của Chỉ thị 14 là các điểm du lịch phải công khai số điện thoại lực lượng chức năng để tiếp nhận và kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh. Không chỉ địa phương mà các điểm du lịch cũng phải công khai số điện thoại nóng và có kế hoạch triển khai cụ thể. Tổng cục Du lịch xác định để làm hài lòng du khách thì phải sớm giải quyết những vấn đề phản ánh của du khách. Do đó, việc cập nhật thông tin là ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an ninh an toàn và chống chèo kéo của các khu du lịch”, ông Nguyễn Quý Phương khẳng định.

Triển khai chỉ thị 14, Hà Nội lên kế hoạch triển khai đảm bảo an ninh, an toàn; giữ gìn vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch; bán đúng giá quy định. “Nếu du khách thấy giá cả bán sai quy định, thái độ phục vụ, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch chưa đạt đều có thể gọi đến số của Trung tâm hỗ trợ du lịch. Bộ phận trực sẽ tiếp nhận thông tin và phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết trong thời gian sớm nhất”, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội khẳng định.

Đồng thời, Tổng cục Du lịch cũng đã xây dựng kế hoạch hành động về tăng cường xúc tiến, quảng bá thu hút khách từ 5 thị trường mới được miễn visa gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy. Ông Lê Tuấn Anh, Vụ Phó Vụ Thị trường cho biết: Tốc độ tăng trưởng 5 thị trường này trong giai đoạn 2010 - 2014 là khoảng 5,35%, với tổng lượng khách 670.000 lượt. Khi được miễn visa, với sự vào cuộc của các bộ ban ngành, doanh nghiệp, thì tốc độ tăng trưởng kỳ vọng khoảng 15%, với số lượng ước tính hơn 730.000 lượt. Như vậy số lượng khách tăng thêm là hơn 60.000 lượt. Chi tiêu bình quân của các thị trường này ước tính trung bình là 1.316 USD/khách thì dự đoán có tổng thu trực tiếp từ số lượng khách tăng thêm là 80 triệu USD. 

Bài cuối: Nâng chất lượng du lịch

Xuân Cường