02:22 10/02/2015

Ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên mạng

Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã trả lời báo giới về việc ngăn chặn thông tin xấu, độc hại trên mạng internet.

Công nghệ Internet ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt. Những thông tin xấu, bịa đặt, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân trên mạng diễn ra hết sức nguy hiểm, vi phạm pháp luật đang đòi hỏi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phải có những giải pháp quyết liệt trong năm 2015. Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn đã trả lời báo giới xung quanh vấn đề này.

*Thưa Thứ trưởng, thông tin nguy hại trên Internet đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện những giải pháp ngăn chặn hiệu quả ra sao?

Thời gian qua, nhiều trang web đen được đặt máy chủ ở nước ngoài đã lợi dụng mạng Internet, có hành vi bôi nhọ nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, gây hoài nghi trong xã hội, chia rẽ Đảng với nhân dân như các trang web Dân làm báo, Quan làm báo... Trước tình hình này, năm qua, Bộ TT-TT đã tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh với các trang mạng đen; chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí để tuyên truyền phản bác các thông tin trái chiều.

 

Ông Trương Minh Tuấn.

Tuy nhiên, để những thông tin trái chiều này không gây hoài nghi trong dư luận, bản thân mỗi người dân khi tiếp cận thông tin cần phải có thái độ đúng đắn, không bị lôi kéo, kích động bởi những thông tin không được kiểm chứng; cảnh giác và tẩy chay những thông tin lệch lạc. Chúng tôi khẳng định những trang thông tin nói trên vi phạm nghiêm trọng pháp luật Nhà nước Việt Nam.

Việt Nam sẽ quản lý chặt chẽ việc đăng tải thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm 2015, Bộ TT-TT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có những giải pháp ngăn chặn toàn diện hơn những thông tin xấu, độc hại trên mạng, làm cho môi trường mạng trong sạch.

*Nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển mạng xã hội là xu hướng tất yếu của xã hội. Vấn đề ở đây là việc quản lý các trang thông tin thế nào. Quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này?

Mạng xã hội là nhu cầu không thể thiếu hiện nay. Tính kết nối và chia sẻ của mạng xã hội vượt ra khỏi những ngăn cách về ngôn ngữ, địa lý, thời gian. Lợi ích lớn nhất của mạng xã hội là khả năng lan truyền thông tin nhanh chóng và xây dựng một mẫu định danh trực tuyến phục vụ yêu cầu công cộng cũng như giá trị cộng đồng. Tuy nhiên, lợi ích lớn nhất là thông tin nhanh chóng đó cũng sẽ trở thành tác hại lớn nhất nếu lan truyền tin đồn do người sử dụng thiếu ý thức về pháp luật và đạo đức. Đưa thông tin chính thống đến cộng đồng thông qua mạng xã hội là xu hướng truyền thông công chúng gắn liền với hình thức sản xuất và tổ chức nội dung.

Hiện chúng ta đã có Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tuy nhiên, đến nay nhiều cơ quan hành chính nhà nước ít chú ý đến việc thực hiện thường xuyên, kịp thời và đầy đủ quy chế này.

Để kiểm soát được nội dung trên mạng xã hội, kiểm soát tin đồn thì chúng ta nên dịch chuyển theo xu hướng truyền thông công chúng. Nhưng đây là vấn đề mới nên phải bàn thảo và xem xét lại cách thức cho phù hợp, tối ưu nhất nhằm đem lại lợi ích cho xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách phát triển công nghệ cao, do đó cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp để làm chủ được tài nguyên số; sử dụng mạng xã hội có sẵn để phát triển dịch vụ riêng của mình nhưng đi đôi với đó là phải quản lý được nội dung thông tin.

*Tại Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI) vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã khẳng định sự cần thiết phải sớm ban hành và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025. Thứ trưởng có thể cho biết một số định hướng lớn trong quy hoạch này?

Vấn đề quy hoạch phát triển và quản lý báo chí được Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đưa ra và Bộ TT-TT đang tham mưu để trình Bộ Chính trị thời gian tới về việc quy hoạch báo chí để phát triển đúng hướng. Đây là vấn đề rất lớn và là nội dung hết sức quan trọng của Hội nghị Trung ương nhằm đưa báo chí phát triển lành mạnh, có định hướng, đi đôi với phát triển là quản lý, lập lại trật tự chứ không chỉ là sắp xếp lại.

Đến nay, cả nước có 845 cơ quan báo chí in với 1.118 ấn phẩm báo chí; 1 hãng thông tấn quốc gia, 67 đài phát thanh, truyền hình; 98 cơ quan báo điện tử và 1.525 trang thông tin điện tử; 420 mạng xã hội với gần 18.000 nhà báo. Số lượng cơ quan báo chí và ấn phẩm tăng nhanh, nhưng cơ cấu chưa hợp lý. Nhiều cơ quan có nhiều ấn phẩm, quá nhiều ấn phẩm phụ, ấn phẩm phụ lại có tia-ra lớn hơn ấn phẩm chính, xa rời tôn chỉ mục đích, tới đây cần sắp xếp lại.

Do vậy, những cơ quan báo chí hoạt động không hiệu quả sẽ được xem xét sắp xếp và tổ chức lại cho phù hợp với quy hoạch và tình hình thực tế.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


M.Phương-CTV