09:22 09/09/2012

Ngăn chặn nạn chèo kéo khách du lịch

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, một thông tin chẳng mấy vui là tỷ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam thời gian gần đây chỉ đạt 5% (ở Thái Lan là 50%).

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới đây, một thông tin chẳng mấy vui là tỷ lệ khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam thời gian gần đây chỉ đạt 5% (ở Thái Lan là 50%).


Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân được nhiều đại biểu đề cập, đó là nạn đeo bám, chèo kéo khách du lịch xảy ra tại nhiều trung tâm du lịch lớn vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Điều này không chỉ gây phiền hà cho du khách, khiến họ “một đi không trở lại”, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Việt Nam.

 

Vấn nạn chèo kéo, ép khách, nâng giá, lừa đảo khách du lịch đã tồn tại nhiều năm nay, nhưng vẫn chưa có liều thuốc đặc trị, do đó mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Tại một số trung tâm du lịch lớn, các địa phương đã tăng cường chấn chỉnh, nhưng đa phần chỉ làm theo chiến dịch, chưa có giải pháp căn cơ, vì vậy kết quả mang lại chẳng khác “ném đá ao bèo”.


Ngay ở một số điểm du lịch của Thủ đô như khu phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám..., không khó bắt gặp hình ảnh những người bán hàng rong chèo kéo, ép khách du lịch. Với đôi quang gánh bày vài thứ hoa quả, khi thấy khách du lịch nước ngoài, những người này nhanh chóng tiếp cận rồi thản nhiên đặt lên vai du khách đôi quang gánh, chẳng cần biết họ có đồng ý hay không.


Du khách lúc đầu nhầm tưởng đây là hành động thân thiện. Nhưng khi đã rơi vào bẫy, du khách phải chịu những khoản phí, hoặc bị ép mua những túi hoa quả với giá cắt cổ. Nếu khách không chịu trả tiền, lập tức sẽ bị đội quân bán hàng rong bám riết, đòi tiền, hoặc phải đón nhận những lời nói và cử chỉ khiếm nhã.


Không chỉ khách du lịch nước ngoài, mà ngay cả khách du lịch từ các tỉnh, thành phố khác khi đến các điểm du lịch ở Hà Nội cũng rất bức xúc trước nạn chèo kéo, ép giá của những người bán hàng rong... Nhiều người phản ánh, ngoài việc phải mua hàng với giá cao, đội quân này còn có biểu hiện lừa đảo, giật đồ, hoặc lấy trộm tiền của khách du lịch.


Để môi trường kinh doanh du lịch thật sự trong sạch, có lẽ chỉ hô hào, cảnh báo thôi chưa đủ. Ðã đến lúc, các cơ quan chức năng phải có những biện pháp đồng bộ, xử lý triệt để và làm thay đổi căn bản ý thức làm du lịch kiểu chộp giật này. Muốn thế, các cơ quan quản lý cần có sự phối hợp chặt chẽ với du khách và các đơn vị lữ hành, cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho du khách và sẵn sàng hỗ trợ họ thông qua các đơn vị tự quản, những tổ thanh tra du lịch... 


Nhiều ý kiến đánh giá, mô hình quản lý người ăn xin, bán hàng rong, niêm yết giá của công ty du lịch, cửa hàng của thành phố Đà Nẵng đang phát huy hiệu quả, rất cần được nhân rộng.



Yến Nhi