08:00 17/08/2013

Ngăn chặn lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương cần có trách nhiệm ngăn chặn buôn lậu quay trở lại, phải kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, thẩm lậu và kiểm soát được những doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu.

Tại hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức ngày 16/8 tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu các địa phương cần có trách nhiệm ngăn chặn buôn lậu quay trở lại, phải kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, thẩm lậu và kiểm soát được những doanh nghiệp lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu.


 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trọng Đức - TTXVN

 

Phải khống chế đầu mối doanh nghiệp tạm nhập tái xuất, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với những mặt hàng tạm nhập tái xuất, nếu cần thiết có thể rút giấy phép, cấm vĩnh viễn hoạt động trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.


Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau 1 năm thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, lượng hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất qua các địa phương giảm mạnh trong thời gian dài đã ảnh hưởng trực tiếp, tác động xấu gây phản ứng dây chuyền đến hàng loạt các hoạt động như: các phương tiện vận tải thủy, bộ dừng hoạt động và hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, hơn 1.400 đò thuyền vận tải hàng hóa trên sông Ka Long (Móng Cái, Quảng Ninh) chỉ hoạt động 27,1% và hàng trăm đầu kéo container hoạt động chưa được 50% công suất so với thời điểm trước. Lao động thất nghiệp gia tăng, hoạt động buôn lậu phát sinh phức tạp. Tại Quảng Ninh hơn 400 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng và dừng hoạt động đã tác động trực tiếp đến 20.000 lao động; một bộ phận cư dân biên giới đang chuyển hướng sang xách hàng thuê về Việt Nam cho các đầu nậu qua biên giới gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý biên giới và chống buôn lậu...


Tại hội nghị, có rất nhiều ý kiến và giải pháp của các doanh nghiệp, địa phương và bộ, ban, ngành được đưa ra nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp. Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau 1 năm triển khai thực hiện, về cơ bản các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất các mặt hàng phụ phẩm, phủ tạng, hàng tiêu dùng đã qua sử dụng được thực hiện tương đối chặt chẽ, nguy cơ gian lận thương mại đã giảm thiểu. Tuy nhiên, ngoài các mặt tích cực còn gặp một số khó khăn vướng mắc về cửa khẩu tái xuất, về mặt hàng kinh doanh tạm nhập tái xuất, thời hạn hàng hóa được phép lưu tại Việt Nam còn quá dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro khi chính sách phía Trung Quốc thay đổi hoặc phía bạn thắt chặt quản lý, việc tạm ngừng hoạt động tạm nhập tái xuất đã làm giảm đáng kể hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của địa phương, tạo công ăn việc làm...


Ông Vũ Ngọc Ánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết: Nên có biện pháp đưa hoạt động tạm nhập tái xuất trở lại như trước, bên cạnh đó cần có sự phối hợp, quản lý chặt chẽ giữa các ban, ngành và địa phương. Về vấn đề hàng đông lạnh, ông Ánh cũng cho biết thêm: Gần đây các nước yêu cầu Việt Nam cho nhập nội tạng trắng, chúng ta nên có quy định và chính sách linh hoạt, rõ ràng để đồng bộ với quy định cũ và hợp lý với công ước đã ký.


Ông Hà Hồng Chi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cung ứng tàu biển Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu lại các mặt hàng phụ phẩm, gia súc, gia cầm, ô tô cũ và xuất khẩu các mặt hàng đã qua sử dụng. Cũng góp ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bẩy, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang nêu quan điểm cần quản lý chặt chẽ tạm nhập và khi đã cho nhập thì cho xuất tối đa. Ông Bẩy cho rằng khi đã có đủ cơ quan liên ngành biên phòng, hải quan, công an nên cho xuất khẩu qua các cửa khẩu phụ.

 

Nguyễn Hoàng